Câu gốc: “Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16-17).
Câu hỏi suy ngẫm: Tuyển dân sẽ làm gì khi tài sản giữ hộ bị mất? Đức Chúa Trời can thiệp như thế nào khi người ta thề nguyện và đem duyên cớ trình bày trước mặt Ngài? Bài học này có liên hệ gì với đời sống của bạn?
Một người vì lý do nào đó không thể cất giữ tài vật của mình, phải nhờ một người đáng tin cậy giữ hộ bò, lừa, chiên, áo xống hay vật chi khác. Khi tài vật đó được công bố bị mất trộm, thì có thể có các trường hợp xảy ra: Tài sản đó thật bị người khác trộm cắp, nếu kẻ trộm bị bắt thì kẻ trộm phải đền gấp đôi số tài sản đã lấy cắp (câu 7). Nếu không bắt được kẻ trộm, thì người chủ nhà giữ giúp tài vật phải đến trước mặt Đức Chúa Trời để thề rằng mình không trộm cắp tài vật đó. Khi được Đức Chúa Trời xác nhận chủ nhà vô can trong việc này, người ấy không phải bồi thường tài vật đã bị mất cắp. Ngược lại, nếu chủ nhà bị Đức Chúa Trời chỉ ra là người đã lấy cắp, thì người ấy phải bồi thường tài vật cho người lân cận gấp đôi như một kẻ cắp. Tham thì thâm!
Thời Cựu Ước, các vị thẩm phán là những người đại diện cho Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm phân xử những tranh chấp pháp lý, được Chúa ban cho có sự khôn ngoan để tìm ra sự thật hoặc Ngài có thể phán dạy trực tiếp qua họ, chỉ ra người gian và người ngay, giúp giải quyết những tranh chấp giữa vòng dân Chúa một cách công minh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:16-18). Cho nên khi một người tuyên thệ trước mặt các thẩm phán thì cũng là tuyên thệ trước mặt Đức Chúa Trời. Ở đây chúng ta thấy mọi cuộc tranh tụng về tài sản: bò, lừa, chiên, áo xống hay bất cứ vật gì bị mất thì bên nào bị kết án sẽ phải bồi thường gấp đôi cho người lân cận (câu 9). Người tham lam chẳng những mất tiền đền bù, trở thành người bất nghĩa, hủy phá mối quan hệ tốt đẹp với bạn của mình mà còn mang tiếng xấu trong cộng đồng.
Bài học này nhắc chúng ta phải hết sức cảnh giác về bản chất tham lam, gian trá của chính mình; một hành động nông nổi từ lòng tham sẽ hủy hoại chúng ta về nhiều phương diện. Lời Chúa dạy: “Sự nhân từ và sự chân thật, chớ để lìa bỏ con; hãy đeo nó vào cổ, ghi nó nơi bia lòng con; như vậy, trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, con sẽ được ơn và có sự khôn ngoan thật” (Châm-ngôn 3:3-4). Con dân Chúa phải sống chân thật vì Đức Chúa Trời toàn tri và công chính, Ngài nhìn thấy mọi lời nói, hành động, và cả dòng suy tưởng của chúng ta, và Ngài phán xét, thưởng phạt công minh cho mỗi người.
Bạn có luôn sống với tinh thần Chúa nhìn thấy mọi hành động, lời nói, và suy tưởng của bạn không?
Lạy Chúa công chính và nhân từ, xin giúp con luôn theo đuổi sự chân thật, nhân ái và tránh xa mọi sự gian trá, bất nghĩa để được Chúa vui lòng và con nhận được sự khôn ngoan thật từ Cha.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments