Câu gốc: “Thà một món rau mà thương yêu nhau, còn hơn ăn bò mập béo với sự ganh ghét cặp theo” (Châm-ngôn 15:17).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn so sánh ý nghĩa của món rau và bò mập béo ra sao? Qua câu Châm-ngôn này, bạn có điều gì cần thay đổi để cuộc sống bạn có giá trị, gia đình bạn thêm hạnh phúc và đời sống bạn làm sáng Danh Chúa?
Ngày xưa gặp nhau, nhiều người thường chào hỏi: “Ông bà ăn cơm chưa?” Dự tiệc cưới về người ta quan tâm đến tình yêu của đôi trẻ thì ít nhưng khen chê về các món ăn thì nhiều. Điều này cũng nói lên phần nào về tầm quan trọng của bữa ăn. Một điều hiển nhiên là ai cũng muốn chọn lựa một thực đơn đầy đủ chất lượng cũng như đầy ắp tình thân, nhưng nếu hoàn cảnh không cho phép thì phải chọn lựa ra sao?
Vua Sa-lô-môn so sánh thà ăn rau mà thương yêu nhau hơn là ăn bò mập béo với sự ganh ghét. Ông đánh giá tình yêu thương, sự hòa thuận cao hơn của cải qua cách đối chiếu hai bữa ăn: Bữa ăn đặt nặng tình yêu hơn vật chất; và bữa ăn đặt nặng vật chất hơn tình yêu. “Một món rau” tượng trưng cho bữa ăn rất thanh đạm dành cho người nghèo hay khách qua đường lỡ bước. Bữa ăn với bò mập béo là bữa ăn của người giàu có hay trong những lễ hội. Nhưng bữa ăn thanh đạm kèm với tình yêu, trân trọng nhau, muốn kết thân với nhau, hơn là bữa ăn thịnh soạn đi cùng với ganh ghét, bất hòa, chỉ muốn loại trừ nhau.
Sứ đồ Phao lô nhấn mạnh giá trị của tình yêu thương trong thư I Cô-rinh-tô 13. Mọi điều người làm nếu không xuất phát từ tình yêu thương thì cũng chẳng ra gì và cũng không có ích gì cho họ. Ông kết luận: “Nên bây giờ còn có ba điều này: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương” (I Cô-rinh-tô 13:13).
Xã hội càng hiện đại, nhu cầu vật chất của con người càng gia tăng. Áp lực về việc kiếm tiền làm cho nhiều gia đình phải hy sinh những bữa ăn chung với nhau. Gánh nặng về tài chánh đã khiến tình yêu trong gia đình bị xem nhẹ đến nỗi nhiều gia đình tan nát, con sống thiếu cha, thiếu mẹ. Chẳng có thức ăn ngon nào bù lại tình yêu mà con cái cần nơi cha mẹ. Ngoài xã hội, biết bao bữa tiệc chỉ mang tính xã giao, nhiều khi tiệc thịnh soạn nhưng trong lòng bày mưu, tính kế để lợi dụng nhau, hơn thua, thậm chí là ghen ghét nhau. Trước lúc qua đời, sức mỏn, hơi tàn, mấy ai có thể ăn ngon dù bàn ăn tràn đầy thịt cá, cũng chẳng ai muốn thấy tiền của, bằng cấp, nhưng hầu hết đều muốn thấy người thương của mình. Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta xem xét lại giá trị tình yêu của mình đối với gia đình, hôn nhân, và với mọi người chung quanh.
Có bao giờ bạn vì miếng ăn mà gây gỗ không? Hay vì tiền bạc của cải mà mất đi mối tương giao với người khác?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài nhắc nhở con đặt giá trị tình yêu lên trên giá trị vật chất. Xin cho con luôn biết kính sợ Chúa, yêu thương người và sống bày tỏ tình yêu của Ngài trong gia đình và xã hội.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Komentarai