top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

04-03 Chịu chết và chôn


 

Câu gốc: “Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo Lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:4).


Câu hỏi suy ngẫm: Ông Giô-sép và ông Ni-cô-đem đã làm gì cho Chúa Giê-xu? Họ làm điều đó với thái độ nào? Tại sao sự kiện chôn Chúa Giê-xu là quan trọng và được ghi lại trong Kinh Thánh?


Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta một gương mặt mới nhưng cũng cho chúng ta gặp lại một người bạn cũ. Ông Giô-sép chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Kinh Thánh, đó chính là dịp này. Còn ông Ni-cô-đem chúng ta đã gặp trong Giăng 3. Hai ông đều có điểm chung là “sợ dân Giu-đa,” nên một người thì chỉ theo Chúa âm thầm (câu 38), một người chỉ dám đến gặp Chúa vào ban đêm (câu 39 và Giăng 3:2). Có lẽ trong mắt nhiều người, họ không xứng đáng làm môn đệ của Chúa. Thế nhưng chính họ là người đã đứng ra “xin phép Phi-lát cho lấy xác Đức Chúa Giê-xu,” rồi cùng lo liệu việc chôn cất cho Ngài “như tục khâm liệm của dân Giu-đa” (câu 38-40). Họ chọn làm bạn của Ngài khi mà các môn đệ thân tín bỏ Ngài.


Việc họ đứng ra chôn cất Chúa cách tươm tất dạy chúng ta điều gì?


Thứ nhất, dạy chúng ta rằng lo hậu sự cho người đã mất là cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng dành cho họ. Từng theo Chúa cách âm thầm, nhưng giờ phút này, hai ông biết mình cần phải đứng ra chôn cất Chúa, nếu không thì rất có thể xác Chúa sẽ bị quăng vào các ngôi mộ cũ dành cho tử tù không có người thân chôn cất. Ông Ni-cô-đem đã dâng một dược và lô hội để tẩm liệm cho Chúa, còn ông Giô-sép dâng ngôi mộ mới của mình để chôn xác Ngài (câu 39, 41). Và qua việc chôn cất Chúa cách chu đáo ấy, họ đã được nhắc đến mỗi thứ Bảy Tuần Thánh. Là người tin Chúa, chúng ta cũng cần lo liệu tươm tất, không phô trương phí phạm, cũng không xuề xòa cho lễ tang của những người thân yêu của mình, hầu cho Chúa được sáng danh qua cách chúng ta đối đãi với người thân đã mất.


Thứ hai và trên hết, việc chôn cất Chúa Giê-xu còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cơ Đốc nhân thường nhấn mạnh vào sự giáng sinh, thương khó, và phục sinh của Chúa nhưng ít khi xem trọng sự kiện Chúa bị chôn. Tuy nhiên, không một trước giả sách Phúc Âm nào bỏ sót sự kiện này, và Chúa chịu chôn cũng có vị trí trong bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Vì sao? Vì sự kiện đó thêm lên bằng chứng rằng Chúa Giê-xu thật đã chết chứ không chỉ ngất hay giả vờ chết như một số giả thuyết ngày nay vẫn đặt ra. Việc hai nghị viên Tòa Công luận, trước giờ không công khai xưng nhận là môn đệ Chúa Giê-xu, đứng ra chôn cất Ngài càng làm cho việc Chúa đã bị chôn trở nên khách quan và đáng tin cậy hơn.


Sứ đồ Phao-lô sau này cũng dùng hình ảnh Chúa chịu chôn để nhắc nhở tín hữu: “Anh em đã bởi phép báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài…” (Cô-lô-se 2:12a). Chúng ta đã để con người cũ của mình thật sự bị chôn nơi hầm mộ với Chúa chưa?


Lạy Đức Chúa Giê-xu Christ, con tin Ngài đã chịu chết và chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại từ cõi chết. Xin cho con vững tin theo Ngài cho đến cuối cùng.


(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

48 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page