Câu gốc: “Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Cơ Đốc nhân chân chính không sống một cuộc đời buông thả, sa đọa để kinh nghiệm ân sủng dư dật từ Chúa (xem thêm Rô-ma 5:20)? Ý nghĩa của báp-tem trong Đức Chúa Giê-xu Christ là gì? Những người đã được xưng công bình phải ý thức về tội lỗi ra sao?
Mở đầu chương 6, Sứ đồ Phao-lô trích dẫn một quan niệm sống: Nếu Chúa là yêu thương, sẵn lòng tha thứ thì tại sao Cơ Đốc nhân không sống một cuộc đời buông thả, sa đọa để kinh nghiệm ân sủng dư dật từ Ngài? “Chẳng hề như vậy!” Sứ đồ Phao-lô khẳng định quan niệm sống theo thế gian này tuyệt đối không có trong tâm trí của Cơ Đốc nhân chân chính. Tinh thần của Rô-ma 5:20 ngụ ý rằng không có tội lỗi nào quá lớn mà Chúa không thể tha thứ được. Chúa chấp nhận thực trạng con người xấu xa tội lỗi ở mọi mức độ khi họ đến với Ngài. Đức Chúa Trời xưng công bình cho người tin nhận Chúa Giê-xu, rồi Ngài ban năng quyền biến đổi để bước vào tiến trình thánh hóa mỗi ngày trở nên giống Chúa Giê-xu hơn. Để tha thứ tội lỗi cho nhân loại, Chúa Giê-xu đã trả giá bằng chính mạng sống của Ngài. Cơ Đốc nhân chân chính không lạm dụng tình yêu cao sâu của Chúa nhưng sống xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho mình.
Sứ đồ Phao-lô tiếp tục nhấn mạnh về đời sống mới trong Chúa Giê-xu bao gồm chết đối với tội lỗi và sống đắc thắng trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cơ Đốc nhân khi tin nhận Chúa Giê-xu sẽ nhận lãnh phép báp-tem. Người ấy được nhấn chìm hoàn toàn trong nước, biểu tượng cho sự đồng chết và chôn cùng với Chúa Giê-xu, con người và đời sống cũ đã chết. Khi người ấy đứng lên khỏi nước là biểu tượng của sự phục sinh với Chúa Giê-xu, bắt đầu một đời sống mới đắc thắng trong sự ngự trị và dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Sứ đồ Phao-lô công bố tội lỗi không có quyền thống trị những người đã được Chúa xưng công bình (câu 6, 14). Nhận thức về con người cũ đã chết và tội lỗi không có quyền cai trị trên chúng ta sẽ giúp chúng ta chủ động nhờ cậy năng quyền của Chúa để chống cự lại tội lỗi và sự cám dỗ của thế gian.
Mặc dù chúng ta đã được Chúa Giê-xu giải thoát khỏi những xiềng xích của tội lỗi nhưng nếu không cảnh tỉnh thì dễ lắm chúng ta sẽ tự nộp mình cho tội lỗi, tự nguyện làm công cụ cho sự gian ác một lần nữa (câu 12-13). Để tránh tình trạng khốn khổ này, Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta một bí quyết là hãy phó chính mình hoàn toàn cho Đức Chúa Trời, dâng chi thể của mình cho Ngài như là đồ dùng của sự công bình (câu 13b). Như thế, chúng ta có thể dạn dĩ đến gần Chúa Giê-xu và trải nghiệm đời sống mới trọn vẹn trong Ngài.
Tội lỗi hay Đức Chúa Trời đang cai trị thân xác của bạn?
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã đổ máu ra để cứu con khỏi xích xiềng tội lỗi. Đời con đây xin phó thác trong tay Ngài như đất sét trong tay người thợ gốm. Xin Cha đoái thương, gìn giữ, và vui dùng con kết quả trong Nhà Ngài.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments