Câu gốc: “Người nào giữ mình khỏi tranh cạnh, ấy là sự tôn vinh của người; chỉ kẻ điên cuồng sa vào đó mà thôi” (Châm-ngôn 20:3 BTT). “Người tránh khỏi điều tranh cãi đáng được tôn trọng; chỉ những kẻ ngu dại mới lao vào đó” (Châm-ngôn 20:3 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Tranh cãi dẫn đến những hậu quả nào? Sự khác nhau giữa người khôn ngoan và người dại trong việc giải quyết xung đột ra sao? Cơ Đốc nhân cần có những đức tính thế nào để tránh khỏi điều tranh cãi?
Người dại thường nghĩ chỉ có cách tranh cãi để thắng hơn mới khiến họ được nể nang, nhưng thật sự chỉ biến họ thành người dại dột. Sự tranh cãi phần lớn đến từ lòng kiêu căng, hoặc do không kiềm chế được tính khí nóng nảy. Khi tranh cãi với người có quyền, có chức thường dẫn đến tai họa cho mình (câu 2). Ngay cả khi những lý lẽ của mình là đúng, thì sự tranh cãi cũng dễ làm vua quan hay người cầm quyền nổi giận, cũng chẳng phải là điều khôn ngoan. Nếu tránh được hình phạt của những người có quyền hành, thì cũng mất đi sự tôn trọng từ người khác dành cho mình vì bị đánh giá là người hay tranh cãi: “Người tránh khỏi điều tranh cãi đáng được tôn trọng” (câu 3 BTTHĐ).
Sự bất đồng vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, nhưng người khôn ngoan sẽ biết cách tránh xa những cãi lẫy, hoặc hơn thế nữa, họ cũng có khả năng giải hòa bằng phương cách khôn ngoan, khéo léo. Hai hình ảnh đối ngược nhau: người dại luôn cãi vã trong mọi xung đột, nhưng người khôn ngoan tìm cách giải quyết xung đột. Người khôn ngoan quan tâm đến việc mang lại hòa bình hơn là tranh cãi quyết liệt để dành phần đúng về mình, còn người dại không thể kiềm chế bản thân và ngay từ khởi đầu đã dùng sự tranh cãi làm vũ khí quyết định hơn thua, đúng sai. Hành vi này nhằm bảo vệ lòng kiêu hãnh, tính kiêu ngạo của một người khi nghĩ rằng mình bị người khác xúc phạm. Người khôn ngoan luôn khiêm tốn, không nóng nảy hấp tấp, giải quyết mọi bất đồng cách khôn khéo.
Sứ đồ Phao-lô khích lệ mỗi Cơ Đốc nhân phải sống đời sống mới bày tỏ sự hòa nhã, yêu thương. Bí quyết để chúng ta hòa giãi trong mọi xung đột là: “hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:12b-13). Cầu xin Đức Thánh Linh giúp chúng ta cảm động về sự tha thứ của Chúa ban cho mình để chúng ta cũng sẵn lòng tha thứ người khác. Học nơi Chúa sự khiêm nhường để biết khiêm nhường, không đặt tiếng tăm, danh dự của mình cao hơn việc làm sáng Danh Chúa và sự hòa thuận, hiệp một trong vòng anh chị em trong Chúa.
Bạn có thường tranh cãi để cương quyết dành phần thắng về mình không?
Tạ ơn Chúa đã yêu thương và tha thứ tội cho con. Xin cho con có tinh thần khiêm nhường, yêu thương, và khôn ngoan để giải quyết những xung đột trong vòng anh chị em con. Xin cho con luôn gây dựng sự hiệp một để làm sáng Danh Chúa.
(c) 2023 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments