Câu gốc: “…lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, là cội rễ và cuối cùng của đức tin” (câu 1c-2a).
Câu hỏi suy ngẫm: Trước giả thư Hê-bơ-rơ khuyên chúng ta phải làm gì trong cuộc chạy đua? Bạn nghĩ đến tấm gương nào để noi theo trên hành trình đức tin của mình? Sống nhịn nhục trong suốt linh trình theo Chúa sẽ giúp bạn điều gì?
Trong Kinh Thánh Tân Ước, nhiều lần Sứ đồ Phao-lô ví sánh đời sống Cơ Đốc nhân như là một cuộc chạy đua thuộc linh (I Cô-rinh-tô 9:24; Ga-la-ti 5:7; Phi-líp 3:13-14; II Ti-mô-thê 4:7). Tại đây, trước giả thư Hê-bơ-rơ khuyên con cái Chúa những điều cần làm khi tham gia cuộc đua thuộc linh này (câu 1). Một trong những điều đó là phải “lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua…” Trên suốt đường đua, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, và cũng không thiếu những chỉ trích, chống đối, thái độ chúng ta cần có để đạt đến đích chính là “lòng nhịn nhục.”
Từ “nhịn nhục” trong nguyên văn tiếng Hy Lạp là makrothymia mang ý nghĩa bền lòng chịu khổ cách khiêm nhu mà không phàn nàn. “Nhịn” cũng là biểu hiện của đức tính nhẫn nại và khiêm tốn. Người biết nhịn là người không vội phản ứng nóng giận với người khác nhưng biết kiềm chế cảm xúc của mình để có những phản ứng thích đáng, đúng lúc, đúng chỗ. Con người nói chung vốn thích nói hơn thích nghe, và hay vội vàng phản ứng trước mọi sự, vì thế xung đột thường xảy ra khi chúng ta không thể “nhịn nhục.” Đức Chúa Trời tạo nên chúng ta với hai cái tai nhưng chỉ có một cái miệng là để chúng ta phải nghe nhiều hơn nói. Ông Gia-cơ cũng khuyên: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Người có tính “nhịn nhục” là người biết lắng nghe người khác cách cẩn thận trước khi phản ứng theo cảm xúc.
Trước giả thư Hê-bơ-rơ cũng chỉ ra cho chúng ta tấm gương nhịn nhục chịu khổ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, để qua đó chúng ta cứ “nhìn xem Ngài là cội rễ và cuối cùng của đức tin” (câu 2). Chính Chúa đã “vui mừng chịu lấy thập tự giá,” chấp nhận sự sỉ nhục để hoàn tất sứ mạng trên đất và “hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.” Chúng ta hãy nghĩ đến Ngài như là nguồn động lực và khích lệ để không mệt mỏi sờn lòng trong cuộc chạy đua thuộc linh của mình (câu 3).
Sự nhịn nhục trên linh trình theo Chúa sẽ giúp chúng ta vững lòng cho đến khi về đích. Cho dù hoàn cảnh có ra sao, chúng ta hãy nhớ đến lời khuyên của trước giả thư Gia-cơ: “Hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Gia-cơ 1:2-4).
Trên linh trình theo Chúa, bạn đang nhìn xem Chúa Giê-xu hay nhìn xem điều gì?
Xin Chúa giúp con luôn nhìn xem Ngài là Đấng khởi đầu và hoàn tất của đức tin trong suốt linh trình để con có thể nhịn nhục và kiên trì theo đuổi cuộc đua thuộc linh cho đến cùng.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Opmerkingen