Câu gốc: “Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tính ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).
Câu hỏi suy ngẫm: Kinh Thánh mô tả tính cách cậu Ê-sau và cậu Gia-cốp như thế nào? Hậu quả của việc con được cha yêu, con được mẹ yêu là gì? Làm thế nào để bạn tránh được sự thiên vị với con cái trong gia đình?
Ông Y-sác và bà Rê-bê-ca rất hạnh phúc khi được Chúa ban cho hai cậu con trai sau một thời gian chờ đợi (Sáng-thế Ký 25:20-26). Khi hai con lớn lên, hình thành tính cách, lại có những nan đề xảy ra do hai bản tính khác biệt. Rồi cũng có những nỗi bất hạnh ập đến khi cha mẹ thương con không đồng đều (câu 27-28). Do ông Y-sác thích ăn thịt rừng và cậu Ê-sau lại giỏi săn bắn, hay mang thú rừng về cho cha nên được cha yêu. Tình yêu của ông Y-sác dành cho con thiên về việc đáp ứng sở thích phù hợp với mình. Chính điều này hình thành trong cậu Ê-sau bản tính “có qua có lại.” Con mang thịt rừng về cho cha nên được cha yêu. Đây là tình yêu trao đổi và có điều kiện. Còn cậu Gia-cốp là người trầm tĩnh, chỉ quanh quẩn trong nhà và gần gũi mẹ, nên được bà Rê-bê-ca yêu thương hơn. Do quấn quýt theo mẹ nên ông học hỏi được tính tỉ mỉ và chuyện bếp núc từ mẹ. Đương nhiên, khi bà Rê-bê-ca thương con nào hơn thì luôn mong muốn điều tốt nhất cho con ấy, đó là ao ước đứa con mình yêu có được quyền trưởng nam.
Từ những tình cảm thiên vị của cha mẹ đã dẫn đến những mâu thuẫn và rạn nứt trong gia đình. Cậu Gia-cốp đã thừa cơ hội để lừa anh mình đổi lấy quyền trưởng nam với tô canh đậu trong lúc anh đang đói (câu 29-33). Rõ ràng cậu Ê-sau không trân quý quyền trưởng nam và sẵn sàng đánh đổi để được ăn cho no bụng thì hơn (câu 32).
Bức tranh gia đình ông Y-sác và bà Rê-bê-ca giúp chúng ta một giải pháp vượt qua thách thức trong cách nuôi dạy và yêu thương con cái. Có thể trong những đứa con, có đứa này hợp tính với cha, đứa khác hợp tính với mẹ. Nhưng cha mẹ cần phải nhờ ơn Chúa để dung hòa trong việc đối xử công bằng với con cái nhằm tránh xảy ra tình trạng ganh tị giữa các con. Cha mẹ phải học cách yêu thương các con như nhau, dù chúng khác tính ý hay mong đợi của chúng ta. Sự thiên vị trong gia đình luôn dẫn đến những hậu quả không hay về sau như gia đình của ông Y-sác và bà Rê-bê-ca. Yêu thương con không đều cũng để lại những di chứng lâu dài trong cuộc đời các con. Cho dù con có thành công hay thất bại trong cuộc sống, cha mẹ cũng không nên thiên vị trong đối xử và cũng không nên so sánh con này với con kia vì đó là mầm mống gây nên lòng ganh tị và ghen ghét nhau trong gia đình. Mỗi chúng ta cần sống và yêu thương con theo nền tảng Lời Chúa dạy để gia đình thật sự hạnh phúc lâu bền.
Vợ chồng bạn có thống nhất trong cách dạy con và đối xử công bằng với các con không?
Lạy Chúa, xin giúp con công bằng trong cách đối xử với con cái. Giúp con không thiên vị trong tình yêu cho con cháu để gia đình con luôn là một gia đình tin kính và hạnh phúc.
(c) 2024 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments