Câu gốc: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra sự nhịn nhục” (câu 2-3).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gia-cơ khuyên các tín hữu gốc Do Thái tản lạc điều gì? Tại sao ông khuyên như vậy? Một số nhân vật nào trong Kinh Thánh được Chúa rèn luyện trong thử thách trước khi Ngài sử dụng? Bạn cần làm gì để có thể vui mừng trong thử thách?
Ông Gia-cơ gửi thư cho các con cái Chúa gốc Do Thái bị tản lạc ở nhiều nước khác nhau và họ có một điểm chung là gặp nhiều thử thách. Ông không viết nếu gặp thử thách mà là khi gặp thử thách, như là việc đương nhiên, và thử thách trăm bề, nghĩa là dưới nhiều dạng khác nhau, thí dụ nghèo khó (2:6), bệnh tật (5:14), v.v... Khi đối diện với khó khăn, người ta có những phản ứng tiêu cực như lằm bằm oán trách (I Cô-rinh-tô 10:10), hoặc ngã lòng (Hê-bơ-rơ 12:5). Ông Gia-cơ đưa ra lời khuyên có vẻ nghịch lý, hãy xem những gian lao thử thách đó như là niềm vui, và là niềm vui trọn vẹn chứ không chỉ nửa vời!
Ông Gia-cơ giải thích rằng thử thách đức tin nảy sinh ra lòng kiên nhẫn (Rô-ma 5:3-4). Tương tự như người lính nơi quân trường, nhờ tập luyện gian khổ mà khả năng chịu đựng của họ tăng cao. Ông cũng lưu ý chúng ta phải chịu đựng sự thử thách cho đến cuối cùng, không bỏ cuộc nửa chừng, giống như vận động viên nhắm mục đích mà hoàn tất cuộc chạy (Phi-líp 3:14), nhờ đó chúng ta đạt mức “trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” và trở nên hữu ích cho nhiều người. Từ “trọn lành” theo nguyên nghĩa là đạt đến mục đích, vì vậy nhịn nhục giúp chúng ta tăng trưởng tâm linh.
Trong nguyên văn từ “cám dỗ” và từ “thử thách” là cùng một chữ. Nếu tác nhân là Sa-tan xúi giục chúng ta phạm tội thì gọi là cám dỗ. Nếu khó khăn đến từ Chúa nhằm rèn luyện con cái Ngài thì gọi là thử thách. Không nhân vật nào trong Kinh Thánh được Chúa sử dụng mà không trải qua những thử thách, như ông Gióp (Gióp 1:12), hoặc ông Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 22:1-2)… Thử thách đức tin được so sánh như lửa làm cho vàng tinh ròng quý giá hơn. Ông Giô-sép, lúc mới mười bảy tuổi, được Chúa cho thấy hai giấc mộng có tính tiên tri là sau này ông sẽ có địa vị cao trọng (Sáng Thế Ký 37:1-11), nhưng mãi đến năm ba mươi tuổi mới trở thành nhân vật thứ hai chỉ dưới Vua Pha-ra-ôn của Ai Cập (Sáng Thế Ký 41:39-46). Suốt mười ba năm ông phải chịu nhiều thử thách, từ việc bị chính anh em mình bán làm nô lệ, bị cám dỗ phạm tội ngoại tình đến việc bị vu oan, tù tội. Nhưng trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ông luôn sống đời sống kính sợ Chúa, vui lòng Ngài. Ông Giô-sép như vàng đã được tinh luyện, hữu ích cho nhiều người, và làm vinh quang Danh Chúa. Hãy nhìn lại quá khứ cuộc đời mình, hãy nhận ra ý muốn tốt lành của Chúa qua những thử thách để chúng ta có thể vui mừng cảm tạ ơn Ngài.
Bạn đã từng có trải nghiệm tốt đẹp do thử thách mang đến không?
Lạy Chúa, xin mở mắt con để thấy ý muốn tốt lành của Ngài trong mọi thử thách, xin giúp con vượt thắng và vui mừng cảm tạ ơn Ngài.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments