Câu gốc: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết việc nhóm họp của các tín hữu tại Cô-rinh-tô đem đến cho họ điều gì? Tại sao? Giữa tình trạng tồi tệ như thế, Sứ đồ Phao-lô vẫn thấy điều ích lợi nào? Khi có tình trạng phân rẽ trong Hội Thánh, bạn cần sống thế nào?
Mục đích nhóm họp của các Cơ Đốc nhân là để thờ phượng Đức Chúa Trời và gây dựng đời sống tâm linh của con dân Chúa. Những tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô cũng giữ tinh thần đó để được học những điều Chúa Giê-xu truyền dạy. Nhưng Sứ đồ Phao-lô đã nhận định việc nhóm họp của họ “không làm cho mình hay hơn mà làm cho mình dở hơn” (câu 17) vì sự nhóm họp ấy chẳng những không gây dựng mà còn đem lại sự phân rẽ giữa vòng các tín hữu. Khi dự bữa ăn thân ái, ai cũng muốn vội vã lo ăn bữa riêng cho mình mà không chờ đợi chia sẻ cho nhau, dẫn đến “người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ” (câu 21). Trong việc này, Sứ đồ Phao-lô nói ông chẳng khen họ đâu. Tuy nhiên, giữa tình trạng tồi tệ như thế, ông vẫn thấy có điều ích lợi vì nhờ đó đã nổi bật lên những người trung thành, chân thật, những người thật sự thuộc về Chúa (câu 19).
Mặc dù tình trạng chia rẽ là điều không ai muốn có trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, nhưng đó là điều thường xảy ra. Chính lòng vị kỷ đã phá vỡ mối quan hệ trong đại gia đình của Đức Chúa Trời, vì khi chỉ chăm về lợi riêng mình, các tín hữu Cô-rinh-tô đã tạo nên sự phân rẽ giữa người giàu và người nghèo, giữa những người chỉ chăm về những điều ưa muốn của xác thịt với những người quan tâm đến giá trị thuộc linh. Chúng ta không ủng hộ việc gây nên chia rẽ trong Hội Thánh của Chúa, nhưng chúng ta vẫn có cớ tạ ơn Đức Chúa Trời, vì qua đó chúng ta nhìn thấy sự tể trị của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có quyền sử dụng cả mặt tốt và mặt xấu của một vấn đề. Sứ đồ Phao-lô cho biết những người ham mê ăn uống này “khinh bỉ Hội Thánh của Đức Chúa Trời.” Tuy nhiên, nhờ vậy mà Hội Thánh mới nhận biết rõ ai là người thật sự trung thành.
Ngày nay, không thiếu những tình trạng chia rẽ trong Hội Thánh, ít nhiều cũng làm cho Hội Thánh bị tổn thương, dù vậy chúng ta tin nơi quyền tể trị của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ giúp chúng ta nhìn thấy ích lợi trong những hoàn cảnh dường như đen tối ấy. Điều quan trọng, chúng ta hãy là những người chân thật, trung thành với Đức Chúa Trời dù chung quanh chúng ta có ra sao đi nữa.
Bạn đã kinh nghiệm quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh hay không?
Lạy Chúa, Hội Thánh là của Ngài, và con tin quyền tể trị của Chúa trong mọi việc xảy đến, xin gìn giữ tấm lòng con để không vì lòng vị kỷ mà tạo nên sự phân rẽ trong Hội Thánh Chúa, nhưng tôn trọng Hội Thánh và luôn bày tỏ lòng trung thành trong mọi hoàn cảnh.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments