Câu gốc: “Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời” (câu 19).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô kết luận về mối liên hệ của những người tin Chúa như thế nào? Ông dùng hình ảnh gì để mô tả mối liên hệ đó? Hình ảnh ấy nói lên ý nghĩa nào? Bạn đóng góp gì cho mái ấm gia đình của Đức Chúa Trời?
Sau khi giải thích về sự hiệp nhất giữa người Do Thái và Dân Ngoại nhờ vào máu của Chúa Giê-xu, Sứ đồ Phao-lô kết luận rằng Dân Ngoại không còn là người xa lạ nữa mà là thành viên chính thức trong gia đình của Đức Chúa Trời (câu 19). Chính Chúa Giê-xu đã phá đổ bức tường ngăn cách để kết hiệp hết thảy những người tin Chúa làm một và ở trong đại gia đình của Ngài, không còn phân biệt người Do Thái hay người ngoại bang nữa.
Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh “cái nhà” để mô tả mối liên hệ giữa các tín hữu với nhau. Mỗi Hội Thánh là một phần trong “cái nhà” lớn, và mỗi Cơ Đốc nhân là một viên đá trong ngôi nhà, còn chính Chúa Giê-xu là Đá Góc Nhà để liên kết các bức tường với nhau và giữ cho ngôi nhà được đứng vững và chặt chẽ (câu 20-21). Chính ngôi nhà trở thành nơi ngự của Đức Chúa Trời trong Đức Thánh Linh. Tất cả con dân Chúa đều là “người nhà của Đức Chúa Trời” và “được dự phần vào nhà đó” (câu 22). Đây là một chân lý quan trọng mà mỗi Cơ Đốc nhân cần nắm rõ để cùng giữ vững mái ấm gia đình của Chúa.
Trong loạt bài “Sống Theo Đúng Mục Đích” của Mục sư Rick Warren, ông cũng đề cập đến mối liên hệ trong gia đình của Đức Chúa Trời. Ông viết mục đích thứ hai của đời sống Cơ Đốc nhân là “được tạo dựng cho gia đình của Đức Chúa Trời.” Vì thế, mỗi chúng ta cần phải góp phần gây dựng mái ấm gia đình trong Chúa, học cách sống với nhau, vun đắp cộng đồng đức tin và gìn giữ mối thông công trong Hội Thánh.
Mối thông công trong gia đình của Đức Chúa Trời cần được mỗi Cơ Đốc nhân chú ý rèn luyện như một kỷ luật thuộc linh vì điều đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Hội Thánh. “Thông công” không có nghĩa chỉ ngồi lại ăn uống, trò chuyện nhưng mang ý nghĩa sâu xa hơn theo tinh thần của các tín hữu Hội Thánh đầu tiên (Công-vụ Các Sứ-đồ 2:42-47). Đó là sự hiệp một, tương giao với Chúa và với nhau, thể hiện mối quan tâm, chia sẻ cho nhau. Khi không hiểu đúng vai trò của mình trong gia đình Chúa, Hội Thánh dễ xảy ra xung đột, chia rẽ. Hãy nhớ rằng, mỗi chúng ta là chi thể trong thân của Đấng Christ, là thành viên trong gia đình của Ngài, cần phải giữ mối thông công, cam kết gây dựng, và bảo vệ gia đình của Đức Chúa Trời trong sự hiệp thông qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Bạn có góp phần gây dựng gia đình của Chúa không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã cho con được trở nên “người nhà của Đức Chúa Trời.” Xin giúp con nhận biết rõ vai trò Chúa đặt để trong gia đình Hội Thánh của Ngài để con cam kết đóng góp, dự phần gây dựng phát triển Nhà Chúa.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments