Câu gốc: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (câu 8).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dạy thế nào về trách nhiệm với gia đình và bà con? Tại sao người không biết quan tâm giúp đỡ bà con mình là người chối bỏ đức tin? Bạn quan tâm cấp dưỡng cho gia đình mình như thế nào?
Sứ đồ Phao-lô dành cả một phân đoạn dài để hướng dẫn Mục sư trẻ Ti-mô-thê trong cách cư xử với những đàn bà góa thời bấy giờ (I Ti-mô-thê 5:3-16). Ông bắt đầu với lời khuyên: “Hãy kính những người đàn bà góa thật là góa.” “Kính” có nghĩa là tôn trọng, kính nể, và chăm sóc. Theo văn hóa Do Thái lúc bấy giờ, chồng là người chu cấp chính cho vợ con trong gia đình. Khi chồng qua đời, người vợ mất đi chỗ dựa cho nên họ rất cô đơn, khó khăn về tài chánh, và cần được quan tâm. Suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy “kẻ mồ côi và người góa bụa” là hai thành phần đặc biệt được Chúa quan tâm (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:18; Thi Thiên 146:9). Họ là những người nghèo khó trong xã hội cho nên rất cần được giúp đỡ. Chính Vua Đa-vít cũng cho biết: “Đức Chúa Trời là cha kẻ mồ côi, và quan xét của người góa bụa” (Thi Thiên 68:5).
Tại đây, Sứ đồ Phao-lô đề cập đến những nhóm người góa bụa khác nhau cùng với những lời khuyên dành cho họ. Nếu trong gia đình có đàn bà góa thì bổn phận của con cháu là phải bày tỏ lòng hiếu thảo và báo đáp công ơn nuôi dưỡng của họ (câu 4). Đối với những “người thật góa,” không có con cháu nuôi dưỡng, họ đặt hy vọng vào Chúa và cần được Hội Thánh chăm sóc (câu 5). Còn đối với những quả phụ sống xa hoa trụy lạc thì mục sư và Hội Thánh phải khuyên bảo và giúp đỡ họ để họ không bị chê trách (câu 6-7).
Cuối cùng, Sứ đồ Phao-lô cho biết nếu những người trong gia đình mà không biết quan tâm, giúp đỡ, và cấp dưỡng cho bà con, thân thuộc trong gia đình mình là người “chối bỏ đức tin” thật tệ hơn người không tin (câu 8). Người thế gian còn biết chăm lo gia đình của họ, còn người nói mình tin Chúa mà không yêu thương, quan tâm đến bà con khó khăn trong gia đình họ thấy hằng ngày thì làm sao họ có thể nói mình yêu Đức Chúa Trời là Đấng không thấy được (I Giăng 4:20).
Chúa đặt để mỗi người trong từng gia đình, Ngài muốn chúng ta có trách nhiệm quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Hơn nữa, chúng ta là Cơ Đốc nhân, noi theo gương Chúa Giê-xu, càng phải chăm lo cho gia đình, bà con của mình nhiều hơn. Việc cấp dưỡng cho những bà con neo đơn, ông bà, cha mẹ không còn sức lao động là rất quan trọng và ý nghĩa mà từng thành viên trong gia đình cần quan tâm. Đây không chỉ là lời khuyên nhưng là trách nhiệm Chúa giao cho mỗi chúng ta.
Bạn có chăm sóc và cấp dưỡng cho ông bà, cha mẹ hay bà con đang có nhu cầu trong gia đình không?
Lạy Chúa, xin nhắc nhở và thêm sức cho con để con luôn biết quan tâm, chăm sóc, và cấp dưỡng cho những người thân trong gia đình con đang có nhu cầu như Lời Chúa dạy.
(c) 2023 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments