Câu gốc: “Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lần lần đuổi các dân tộc này khỏi trước mặt ngươi; ngươi không thế diệt chúng nó mau, e những thú rừng thêm nhiều lên mà hại ngươi chăng” (câu 22).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Đức Chúa Trời hứa Ngài chỉ đuổi lần lần các dân tộc ngoại bang khỏi dân Chúa? Điều này chứng tỏ gì về Chúa? Đức Chúa Trời dặn dân Ngài phải thiêu đốt những gì? Bạn được khích lệ gì trong hoàn cảnh khó khăn?
Là người phát ngôn của Đức Chúa Trời, ông Môi-se đã trình bày với dân Chúa hai chân lý quan trọng nhằm giúp dân Chúa sẵn sàng bước vào trận chiến sắp tới. Trước tiên là lời hứa đầy khích lệ rằng Ngài sẽ đuổi các dân ngoại bang trước mặt họ dần dần. Những lời khẳng định được lặp đi lặp lại của Chúa về chiến thắng sắp đến cho thấy Ngài đã có kế hoạch cho mọi việc một cách hoàn hảo và khôn ngoan. Chúa hoàn toàn có thể một lúc đuổi hết các dân tộc ấy khỏi trước mặt người Ít-ra-ên nhưng Ngài không làm như thế. Bởi Chúa biết sau khi đánh chiếm một vài nơi xong, dân Chúa cần thời gian để ổn định cuộc sống, gia tăng dân số đủ để quản lý Đất Hứa. Nếu người Ít-ra-ên liên tục đánh chiếm được hết toàn vùng đất, thì trong lúc họ bận rộn xây dựng cuộc sống mới, thú hoang có thể tràn vào những vùng đất mới chiếm được. Không giống người Ca-na-an bản xứ, họ không có kinh nghiệm trong việc ngăn chặn thú hoang phá hoại, vì thế thật cần thiết khi việc chinh phục này sẽ được thực hiện từ từ.
Tiếp theo lời khích lệ ấy là một lời khuyến cáo được nhắc lại, ấy là dân Chúa phải thiêu đốt những hình tượng và không được lột lấy vàng bạc bọc nơi các tượng. Đối với một số người, lớp vỏ bằng bạc hay vàng bọc bên ngoài các hình tượng là một cạm bẫy mang tính hủy diệt. Có thể họ không muốn giữ các hình tượng đó, nhưng lại tham lam muốn có những vàng bạc bọc bên ngoài. Hơn nữa, những vật đó bị Chúa xem là gớm ghiếc, nên không có lý do gì dân thuộc về Ngài lại sở hữu những thứ ấy.
Có những giai đoạn trong cuộc đời, chúng ta cảm thấy mình đã cố gắng hết sức để đối diện với những điều khó khăn trong đời sống, nhưng mọi thứ dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng ta luôn mong chờ có được một sự giải cứu ngay lập tức để mọi nan đề đều được giải quyết xong hết. Chúa thấu hiểu từng hoàn cảnh chúng ta đang trải qua, và Ngài cũng có kế hoạch chu toàn cho chúng ta. Có thể hoàn cảnh khó khăn hiện tại làm chúng ta cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, thậm chí là tuyệt vọng. Nhưng chúng ta cần học biết kiên nhẫn trước mọi hoàn cảnh, tin cậy nơi kế hoạch giải cứu từng bước của Chúa. Có thể cách Chúa làm và tiến trình giải quyết công việc của Ngài không theo ý muốn chúng ta nhưng đó lại là cách chúng ta từng bước kinh nghiệm Chúa và được tăng trưởng tâm linh.
Có khó khăn nào trong đời sống khiến bạn cảm thấy dường như Chúa chậm đáp lời không?
Lạy Chúa, xin giúp con tin rằng Ngài thấu hiểu con hơn cả chính con. Xin giúp con vững lòng tin cậy Ngài và kinh nghiệm được công việc làm từ tay Chúa.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments