top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

07-11 Đền tạm và biểu tượng


 

Câu gốc: “Ước trước cũng có những luật về việc thờ phượng và một nơi thánh dưới đất... Ấy là một hình bóng chỉ về đời bây giờ” (câu 1, 9a).


Câu hỏi suy ngẫm: Đền tạm có vai trò thế nào trong sự thờ phượng của người Do Thái? Đền tạm có những chi tiết nào và điều đó liên quan gì đến Cơ Đốc nhân ngày nay?


Một nhà thần học đã phát hiện một chi tiết khá thú vị, đó là Kinh Thánh chỉ dành 2 chương để nói về sự sáng tạo nhưng lại dành đến 50 chương để nói về đền tạm. Điều đó cho thấy vai trò trung tâm của đền tạm trong sự thờ phượng của người Do Thái quan trọng thể nào. Trong khi thiết lập giao ước với người Ít-ra-ên, Chúa truyền lệnh cho ông Môi-se làm đền tạm, “Họ sẽ làm cho Ta một đền thánh và Ta sẽ ở giữa họ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8). Trước giả thư Hê-bơ-rơ nhắc lại cho độc giả của mình những chi tiết của đền tạm với một lời nhận xét, “Ấy là một hình bóng chỉ về đời bây giờ” (Hê-bơ-rơ 9:9a).


Đền tạm có 2 phần, Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh. Nơi Thánh có đèn bảy ngọn được cung cấp dầu thường xuyên vì đó là nguồn sáng duy nhất trong đền tạm. Tiếp đến là “bàn và bánh trần thiết,” có tổng cộng 12 ổ bánh đại diện cho 12 bộ tộc Ít-ra-ên. Bánh được thay mới vào mỗi ngày sa-bát, bánh cũ sẽ làm thức ăn cho thầy tế lễ. Ngay trước bức màn phân cách Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh có bàn thờ xông hương. Trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ dùng hương ở đây để xông trên nắp thi ân trên Hòm Giao Ước.


Trong Nơi Chí Thánh có đặt Hòm Giao Ước, trong đó có chiếc bình đựng ma-na để nhắc dân chúng về sự chu cấp của Chúa, cây gậy trổ hoa thể hiện việc Chúa chọn ông A-rôn và dòng dõi ông làm chức tế lễ thượng phẩm, và bảng giao ước để nhắc nhở về việc vâng giữ luật pháp. Nắp Hòm Giao Ước gọi là nắp thi ân, được che phủ bởi cánh của các chê-ru-bim, đại diện cho ngai của Đức Chúa Trời trên đất.


Đền tạm và những chi tiết nói trên rất cao trọng, là nơi người Ít-ra-ên gặp gỡ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên đó chỉ là “nơi thánh dưới đất” với nhiều giới hạn nhất định, không phải ai cũng được vào đó và không phải muốn vào khi nào cũng được. Trước giả thư Hê-bơ-rơ cũng nói rằng ông không kể rõ mọi chi tiết (câu 5) vì đối với ông, đền tạm và mọi chi tiết trong đó chỉ là hình bóng để nói về thân vị và công tác của Đấng Christ. Thông qua Chúa Giê-xu, những người có đức tin đều có thể gặp gỡ và thờ phượng Đức Chúa Trời (Giăng 14:6). Ngày nay, Đấng Christ mới là trung tâm của sự thờ phượng. Điều đáng buồn là một số người lại không trân quý đặc ân được trực tiếp thờ phượng Chúa, là điều người Do Thái xưa kia vô cùng ước ao mong mỏi mà chẳng thể có được.


Điều gì đang ngăn trở bạn thờ phượng Chúa như đáng phải có?


Tạ ơn Chúa Giê-xu vì đã nhập thể làm người và sống giữa loài người để ai biết Ngài thì biết Cha, có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Cha. Xin giúp con luôn trân quý mỗi cơ hội được thờ phượng Cha và luôn thờ phượng bằng tâm linh và lẽ thật.


(c) 2023 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.

27 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentarios


VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page