Câu gốc: “Nhưng sau khi bị đau đớn và sỉ nhục tại thành Phi-líp, như anh em đã biết, thì chúng tôi trông cậy Đức Chúa Trời, cứ rao truyền đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời cách dạn dĩ giữa cơn đại chiến” (câu 2).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm giảng Phúc Âm của ông như thế nào? Ông làm gì khi gặp khó khăn? Điều gì giúp ông cứ trung tín rao giảng Phúc Âm? Tại sao bạn phải trung tín rao giảng Phúc Âm?
Sứ đồ Phao-lô nhắc lại cho các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca về kinh nghiệm rao giảng Phúc Âm của ông và đoàn truyền giáo. Công-vụ Các Sứ-đồ chương 16 cho biết những khó nhọc mà Sứ đồ Phao-lô và các bạn ông đã trải qua tại thành Phi-líp. Do ông đuổi quỷ ra khỏi một cô gái nô lệ có chủ làm nghề thầy bói khiến người chủ bị mất phương tiện kiếm tiền nên đã kiện Sứ đồ Phao-lô và ông Si-la. Hai ông bị lột trần, đánh đòn, cùm chân, và bị nhốt vào ngục tối. Dù phải chịu “đau đớn và sỉ nhục,” Sứ đồ Phao-lô vẫn không chùn bước trong việc rao giảng Phúc Âm. Sau khi ra khỏi thành Phi-líp, ông và các bạn đã đi đến Tê-sa-lô-ni-ca tiếp tục rao truyền Phúc Âm.
Sứ đồ Phao-lô khẳng định “chúng tôi vẫn mạnh dạn trong Đức Chúa Trời để rao truyền cho anh em Tin Lành của Đức Chúa Trời giữa nhiều chống đối” (câu 2 BTTHĐ). Chống đối, khó khăn không ngăn được lòng trung tín của người tận tâm vì sứ điệp Phúc Âm. Sứ đồ Phao-lô xác định rõ việc giảng Phúc Âm là công tác ông được Đức Chúa Trời tin cậy và ủy thác (câu 4a), vì thế ông cứ hết lòng rao giảng dù hoàn cảnh có khó khăn ra sao. Mục đích cuối cùng trong việc rao giảng Phúc Âm của ông là để làm “đẹp lòng Đức Chúa Trời” chứ không phải “đẹp lòng loài người” (câu 4b). Sứ đồ Phao-lô khẳng định với các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca rằng việc giảng Phúc Âm của ông không xuất phát từ sự sai lầm hay mang ý đồ xấu để lừa gạt ai. Nhưng ông cứ trung tín rao giảng để vui lòng Chủ, là Đức Chúa Trời, Đấng dò xét tấm lòng ông (câu 3-4).
Sứ điệp Phúc Âm được ví như tài sản Đức Chúa Trời giao phó cho mỗi con dân Ngài, và đương nhiên Chúa không muốn chúng ta là những quản gia “chôn giấu” nhưng phải là những quản gia trung tín “làm lợi ra” những gì Chúa giao “bất luận gặp thời hay không gặp thời” (II Ti-mô-thê 4:2). Trung tín là phẩm chất quan trọng của một quản gia. Nếu thiếu phẩm chất này, chúng ta không thể trở thành người quản gia trung thành cho Đức Chúa Trời được. Trung tín là hết lòng thực hiện điều mình đã cam kết dù phải chịu thiệt thòi, đau khổ hay ngay cả khi bị chống đối. Người trung tín là người đáng tin cậy và có tấm lòng sắc son trước sau như một. Một quản gia trung tín luôn kiên quyết thực hiện điều chủ giao cho đến cuối cùng dù gặp hoạn nạn, khó khăn. Hãy noi gương Sứ đồ Phao-lô trung tín rao giảng Phúc Âm của Chúa.
Bạn có trung tín rao giảng Phúc Âm mà Chúa giao phó không?
Lạy Chúa, xin giúp con không chùn bước, nản lòng khi chia sẻ Phúc Âm dù có gặp sự chống đối hay khó khăn. Xin thêm cho con lòng can đảm như Sứ đồ Phao-lô để con trung tín rao truyền Phúc Âm.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comentários