Câu gốc: “Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng” (câu 8b).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao trước giả xin Chúa cho mình đừng giàu sang hoặc nghèo khổ? Giàu và nghèo có thể trở thành sự cám dỗ như thế nào? Mục đích của lời cầu xin này là gì? Giữa giàu sang, nghèo đói và vừa đủ, bạn muốn xin Chúa điều gì? Tại sao?
Lời cầu xin của ông A-gu-rơ có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc. Trong khi cả thế giới ai cũng muốn giàu, giàu nữa, giàu mãi thì ông lại xin Chú,a cho mình đừng giàu có. Tại sao? Ông nêu rõ lý do: “E khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai?” (câu 9a). Ông sợ rằng khi mình dư dật sẽ khước từ Chúa và không còn nương dựa vào Ngài nữa. Đây cũng là điều ông Môi-se đã nhắc nhở người Ít-ra-ên trước khi họ vào Đất Hứa. Trong sách Phục Truyền, ông dành cả chương 8 để cảnh báo người Ít-ra-ên đừng quên Chúa. Ông nhấn mạnh, “lại e sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài sản mình dư dật rồi, thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức khỏi nhà nô lệ chăng” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:12-14). Một thực tế thường thấy là nhiều người trong lúc khó khăn đã hết lòng tìm kiếm Chúa, nhưng khi cuộc sống trở nên sung túc, đủ đầy, họ không còn quan tâm đến Chúa nữa, cứ lao vào kiếm tiền và cảm thấy tự hào về những thành tựu của mình. Tất nhiên giàu không phải tội, nhưng nếu việc giàu có khiến chúng ta xa cách Chúa thì tốt hơn là xin Chúa cho mình đừng giàu.
Về lý do xin Chúa đừng để mình nghèo khổ, ông A-gu-rơ cũng nói rõ, “Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp. Và làm ô Danh của Đức Chúa Trời tôi chăng.” Tục ngữ Việt Nam có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm,” nghĩa là dù thiếu thốn, đói khát cũng giữ nếp sống ngay thẳng, đừng ăn cắp, lừa dối. Đây là một triết lý sống đẹp, đúng với Lời Chúa. Nhưng rõ ràng thực tế cuộc sống cho thấy có nhiều người vì không chịu nổi cơn đói khát mà đánh mất tư cách của mình, làm những điều ô Danh Chúa. Cũng có người vì gặp khó khăn mà oán trách Chúa. Như vậy, nghèo cũng là một cám dỗ, thế thì tốt hơn là xin Chúa cho mình đừng nghèo khổ.
Mục đích lời cầu xin này không nhằm vào cá nhân trước giả mà tập trung vào Danh Chúa. Ông xin Chúa cho mình có cuộc sống vừa đủ để biết nương cậy Chúa mỗi ngày. Như vậy, vấn đề không phải là giàu hay nghèo, mà là trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta nhìn thấy Chúa như thế nào, và Danh Chúa được bày tỏ ra sao. Chúng ta thuộc lòng lời cầu nguyện, “Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày,” xin Chúa cho chúng ta thật sự thỏa lòng với nếp sống giản dị, vừa đủ.
Bạn có thỏa lòng với nếp sống vừa đủ không?
Lạy Chúa, xin cho con nương dựa vào Ngài mỗi ngày, không quên ơn Chúa khi đầy đủ, cũng không làm ô Danh Chúa khi thiếu thốn. Xin cho con thỏa lòng với những gì Chúa ban và dùng nếp sống con để bày tỏ Danh Ngài cho nhiều người.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments