Câu gốc: “Chúng tôi đã phạm tội, làm sự trái ngược, ăn ở hung dữ, chúng tôi đã bạn nghịch và đã xây bỏ các giềng mối và lệ luật của Ngài” (câu 5).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong lời cầu nguyện, Tiên tri Đa-ni-ên đã lặp đi lặp lại đại từ nào? Điều đó cho thấy ông có thái độ như thế nào với những sai phạm của tổ phụ ông? Gương cầu nguyện của Tiên tri Đa-ni-ên nhắc chúng ta điều gì khi đối diện với những nan đề, sai phạm của Hội Thánh?
Trong lời cầu nguyện và xưng tội của mình, Tiên tri Đa-ni-ên công nhận nếp sống hung bạo, cố tình vi phạm điều răn, bịt tai không nghe lời nhắc nhở từ Chúa của tổ phụ mình (câu 4-7). Ông nhìn biết Chúa công bình khi để họ chịu sỉ nhục, lưu đày (câu 7-9), và hiểu sự vi phạm của tổ tiên ông không thể bào chữa được (câu 10-14). Điểm nổi bật trong lời xưng tội của ông là ông đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần đại từ “chúng tôi”: “chúng tôi đã phạm tội,” “chúng tôi không vâng theo tiếng Ngài” v.v… Từ chương 1, khi chàng trai trẻ Đa-ni-ên được chọn và đào tạo trong cung vua cho đến thời điểm này ông đã ngoài tám mươi tuổi, chúng ta thấy điểm đặc trưng cuộc đời ông là tin kính Chúa, sẵn sàng liều mạng sống mình để giữ vững đức tin nơi Chúa. Nếu có ai xứng đáng để đứng tách ra khỏi dân tộc vô tín và bất tuân mệnh lệnh Chúa thì hẳn người ấy phải là ông Đa-ni-ên. Thế nhưng ở đây ông luôn đồng nhất mình với tội lỗi của tổ tiên. Ông không oán trách Chúa bất công khi để ông chịu hình phạt và ông cũng không đổ tội cho dân Chúa.
Chủ nghĩa cá nhân đã khiến chúng ta luôn nghĩ rằng người nào phạm tội thì chỉ người đó chịu hậu quả mà thôi. Trên phương diện cứu rỗi, nguyên tắc đó là đúng, như Ê-xê-chi-ên 18:20 có nói: “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” Nhưng trên phương diện đời sống cộng đồng, chẳng phải tội của ông A-can cũng khiến cả Ít-ra-ên chịu thất bại trong trận đánh thành A-hi đó sao (Giô-suê 7)? Ngược lại, chẳng phải Chúa hứa Ngài sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài sao (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:6)? Tiên tri Đa-ni-ên hiểu rằng ông là một phần của dân Chúa, nên khi dân Ngài sai phạm, ông không thể nói mình không liên lụy gì. Ông hiểu rằng, khi một cộng đồng mà mình là thành viên, sống bất tuân, phạm tội, thì cả cộng đồng mất phước.
Ngày nay, nhiều Hội Thánh phải đương đầu với sự chia rẽ gay gắt vì khi gặp nan đề, nhiều thành viên đã tách mình ra đứng ở phía của những người không có lỗi, và từ đó tha hồ phán xét, kể tội, chỉ trích người khác. Thái độ nhìn nhận “chúng tôi đã phạm tội” của Tiên tri Đa-ni-ên giúp ông không đặt mình cao hơn người khác để lên án họ. Mỗi chúng ta phải nhìn biết mình là thành viên của cộng đồng, là chi thể của một thân, và nếu cần thẳng thắn chỉ ra sai phạm của anh chị em mình, thì hẳn khi ấy chúng ta cũng sẽ nói ra bằng tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:15).
Với bạn, xưng tội là việc khó hay dễ làm?
Lạy Chúa, xin cho con biết đồng nhất với cộng đồng dân Chúa của con để con cưu mang, cầu nguyện, và gây dựng lẫn nhau trong tình yêu thương.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments