Câu gốc: “Hãy nhớ lại, chớ quên rằng, trong đồng vắng ngươi đã chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Từ ngày ra khỏi xứ Ê-díp tô cho đến chốn này, ngươi thường phản nghịch cùng Đức Giê-hô-va” (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong suốt những tháng năm nơi hoang mạc, người Ít-ra-ên đối với Đức Chúa Trời như thế nào? Ông Môi-se nhắc đến sự kiện lịch sử đáng buồn nào của người Ít-ra-ên? Việc nhắc lại sự kiện này nhằm mục đích gì? Sự kiện nào trong cuộc đời giúp bạn nhìn thấy ân sủng của Chúa trên bạn cách rõ ràng?
Bắt đầu từ câu 7 trong chương này trở về sau, ông Môi-se kể lại những lần người Ít-ra-ên phạm tội trọng với Đức Chúa Trời trong hành trình từ khi ra khỏi xứ Ai Cập cho đến hiện tại. Mặc dù những người nghe ông Môi-se thuật lại là thế hệ trẻ, nhưng ông muốn họ nhìn lại lịch sử của tổ phụ họ để hiểu rõ vì sao Chúa khẳng định với dân Ngài rằng sự ban cho đất Ca-na-an làm sản nghiệp là đến từ cho ân sủng của Chúa chứ không bởi sự công chính của người Ít-ra-ên. Là một lãnh đạo của người Ít-ra-ên từ những ngày ở xứ Ai Cập cho đến hiện nay, ông Môi-se không thể chối bỏ sự thật rằng người Ít-ra-ên là một dân tộc hay chọc giận Đức Chúa Trời, nhiều lần phản nghịch Ngài, và là một “dân cứng cổ” như cách Chúa nói về dân Ngài (câu 13). Bằng chứng lịch sử điển hình là sự kiện ông Môi-se lên núi bốn mươi ngày để nhận lãnh bản giao ước từ Đức Chúa Trời, trong khoảng thời gian đó, dân Chúa đã đúc một tượng con bò vàng và thờ lạy nó. Sự việc này làm Đức Chúa Trời vô cùng giận dữ đến nỗi muốn tiêu diệt họ. Ông Môi-se nhắc lại sự kiện lịch sử bi thảm này cho thế hệ mới của người Ít-ra-ên nhớ đến không phải để truy cứu những tội lỗi trong quá khứ của tổ phụ họ. Thay vào đó, ông muốn những người trẻ này nhận ra rằng, để có thể tiếp tục đi trong con đường vâng phục giao ước đầy khó khăn, họ cần nhận biết sự nhân từ của Đức Chúa Trời trên dân tộc Ít-ra-ên, nhìn thấy sự yếu đuối của dân tộc mình, đồng thời tránh khỏi sự kiêu ngạo về sau.
Khi nhìn về hành trình theo Chúa của mình, chúng ta ắt hẳn nhận ra mỗi người trong chúng đều có “sự cứng cổ” riêng như người Ít-ra-ên. “Sự cứng cổ” đó thể hiện qua những thất bại lặp đi lặp lại trong cuộc đời mình. Những thất bại trong quá khứ giúp chúng ta nhận thức được hoàn toàn không phải bởi vì đạo đức ưu việt hay bởi sự tích cực tham gia những hoạt động tôn giáo mà chúng ta nhận được sự tha thứ và ban ơn của Chúa, nhưng chính bởi tình yêu và ân sủng của Ngài. Nếu như những thành công của đời sống dễ làm chúng ta trở nên kiêu ngạo, thì chính những vấp ngã trong hành trình theo Chúa lại giúp chúng ta trở nên khiêm nhường và càng nhìn thấy được ân sủng bao la của Chúa dành cho những con người “cứng cổ” như chúng ta.
Bạn có thấy mình là một dân cứng cổ giống như dân Chúa ngày trước không?
Lạy Chúa, là Đấng luôn yêu thương và chấp nhận con dù con đã nhiều lần phản nghịch với Ngài. Xin Chúa giúp con trung tín bước đi theo con đường vâng phục Ngài sau những vấp ngã của đời con.
(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments