Câu gốc: “Tôi sẽ suy ngẫm về giềng mối Chúa, Chăm xem đường lối của Chúa” (câu 15).
Câu hỏi suy ngẫm: Trước giả Thi-thiên xin Chúa dạy ông điều gì? Thái độ của ông đối với Lời Chúa như thế nào? Ông cho biết sẽ làm gì đối với Lời của Ngài? Thái độ của bạn ra sao trước Lời Chúa?
Thi-thiên 119 là Thi-thiên dài nhất và cũng là chương dài nhất trong Kinh Thánh. Nhiều nhà giải kinh cho rằng Vua Đa-vít đã viết Thi-thiên này. Trước giả tập trung nói về Lời Chúa trong suốt Thi-thiên 119. Ông dùng nhiều từ ngữ khác nhau khi đề cập đến Lời Chúa như: luật lệ, giềng mối, chứng cớ, mệnh lệnh, đường lối, luật pháp, điều răn, v.v… Chỉ trong 5 câu ngắn ngủi, trước giả cũng đã dùng 6 từ ngữ khác nhau để nói về Lời Chúa.
Tại đây, Vua Đa-vít cầu xin Chúa dạy ông “luật lệ” Ngài (câu 12). Vua hứa nguyện sẽ “thuật lại các mệnh lệnh miệng Chúa phán ra” (câu 13). Không chỉ học Lời Chúa cho riêng mình nhưng cần phải truyền rao cho nhiều người biết. Đây cũng là mệnh lệnh Chúa truyền cho người Ít-ra-ên từ xưa: “khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9). Mỗi con dân Chúa cần học biết Lời Ngài và truyền dạy lại cho con cháu mình và cả những người chung quanh.
Trước giả Thi-thiên cũng cho biết ông “vui mừng về đường chứng cớ Chúa” hơn cả việc vui hưởng vinh hoa phú quý (câu 14). Vua Đa-vít là vị vua giàu có và thành công. Dù sống trong vinh hoa, giàu sang phú quý nhưng ông vẫn không thỏa vui cho bằng được ở trong Nhà Chúa và suy ngẫm Lời Ngài. Câu tiếp theo ông khẳng định: “Tôi sẽ suy ngẫm về giềng mối Chúa” (câu 15). Ông quyết tâm suy ngẫm và “chăm xem” Lời Chúa, có nghĩa là chú tâm về đường lối của Chúa dành cho ông. Đây là một quyết định khôn ngoan vì chính Lời Chúa sẽ là “đèn soi” cho chân của ông, “ánh sáng cho đường lối” ông (câu 105). Rõ ràng suốt cuộc đời Vua Đa-vít, trước mỗi cuộc chiến ông cũng đều cầu hỏi ý Chúa (I Sa-mu-ên 17, 23; II Sa-mu-ên 5).
Cuối cùng, trước giả khẳng định: “Tôi ưa thích luật lệ Chúa, sẽ chẳng quên Lời của Chúa” (câu 16). Ông trân quý và ham mến Lời Chúa đến nỗi “giấu Lời Chúa trong lòng” (câu 11) và hứa không quên Lời Ngài. Chính ông cũng viết: “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (câu 103). Rất nhiều lần trong Thi-thiên này, Vua Đa-vít khẳng định ông sẽ suy ngẫm giềng mối Chúa vì ông biết được Lời Chúa quan trọng và cần thiết cho ông thể nào.
Ngày nay con dân Chúa đều có Kinh Thánh trong tay. Chúng ta cần nhận biết Lời Chúa là kim chỉ nam cho đời sống mỗi Cơ Đốc nhân. Càng suy ngẫm, chúng ta càng phám phá những điều lạ lùng trong luật pháp của Chúa, và cũng sẽ kinh nghiệm được như Vua Đa-vít: Không có gì quý hơn, ngọt ngào hơn khi được sống trong Lời Đức Chúa Trời.
Bạn có ưa thích luật pháp của Chúa và dành thời gian suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài đã ban Lời quý báu là Kinh Thánh cho con. Xin dạy con luật pháp Chúa. Xin giúp con kỷ luật dành thời gian suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
コメント