Câu gốc: “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20).
Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu 24-27, Thiên sứ Gáp-ri-ên nói gì với Tiên tri Đa-ni-ên? Lời tiên tri ấy liên hệ như thế nào đến lời cầu nguyện của Tiên tri Đa-ni-ên trước đó? Niềm trông cậy tối thượng của người tin Chúa là gì?
Mở đầu chương 9, Tiên tri Đa-ni-ên cho biết ông đọc các sách tiên tri và khám phá ra số năm dân Chúa sẽ phải lưu đày là bảy mươi năm (câu 2), và thời hạn ấy sắp mãn. Vì thế, ông xưng tội và xin Chúa “khiến cơn thịnh nộ của Ngài xây khỏi thành Giê-ru-sa-lem” (câu 16). Kết quả Chúa đã sai Thiên sứ Gáp-ri-ên đem đến cho ông câu trả lời vốn đã được nhậm “từ khi ngươi bắt đầu nài xin” (câu 23).
Lời tiên tri của thiên sứ là câu trả lời cho sự cầu xin của Tiên tri Đa-ni-ên như thế nào? Nếu Tiên tri Đa-ni-ên trông đợi kết thúc 70 năm lưu đày thì Chúa đáp lời bằng cách đề cập đến “bảy mươi tuần” hay “bảy mươi lần bảy.” Câu 25 nói đến “lệnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem” và khẳng định “thành đó sẽ được xây lại”. Tuy nhiên, câu 26 cho biết, thành Giê-ru-sa-lem thuộc thể được tái thiết rồi cũng lại sẽ bị hủy phá, biến cố thành thánh được phục hồi chỉ là một cột mốc cho niềm trông đợi lớn lao hơn: Trông đợi sự phục hồi thành Giê-ru-sa-lem thuộc linh, không phải sau 70 năm mà sau “bảy mươi tuần lễ” hay bảy mươi lần bảy, tức 490 năm. Khi thành Giê-ru-sa-lem sắp được khôi phục, Chúa hướng tầm nhìn của Tiên tri Đa-ni-ên vượt xa hơn thành vật chất ấy để ông nhìn thấy một thành bền vững, không bị phá hủy. Đây là sự phục hồi thành thánh và phục hồi dân Chúa hoàn toàn trong kỳ sau rốt.
Mối quan tâm thứ hai của Tiên tri Đa-ni-ên—vấn đề tội lỗi của dân Chúa—cũng được giải quyết thông qua tiến trình bảy mươi tuần lễ. Câu 24 cho biết bảy mươi tuần lễ ấy nhắm đến ba mục đích mang tính tiêu cực (“ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác”), và ba mục đích tích cực (“đem sự công bình đời đời vào, đặt ấn tín nơi sự hiện thấy và lời tiên tri, và xức dầu cho Đấng rất thánh”). Đây là câu giải đáp tối thượng cho lời cầu nguyện xưng tội rất dài của Tiên tri Đa-ni-ên. Đấng Chịu Xức Dầu, là Chúa Giê-xu, sẽ đến và sẽ “bị trừ đi” để mang lại sự thanh tẩy tội lỗi và đem sự công bình đời đời vào.
Trong tầm nhìn rất giới hạn của mình, Tiên tri Đa-ni-ên đã thiết tha nài xin Chúa hành động, phục hồi thành Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của ông, và hơn nữa, Ngài còn giúp ông nhìn thấy sự phục hồi tối thượng: Sự tha thứ, thanh tẩy dân Chúa và thành Giê-ru-sa-lem thuộc linh sẽ được phục hồi mãi mãi qua Đấng Chịu Xức Dầu của Ngài, là Chúa Giê-xu. Điều Chúa ban cho luôn vượt quá điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng.
Bạn thường trông đợi sự phục hồi thuộc thể hay thuộc linh nhiều hơn?
Tạ ơn Chúa luôn mang đến điều tốt lành vượt trên những gì con cầu xin. Xin giúp con sống trong tinh thần cầu nguyện và hy vọng sự phục hồi thuộc linh mãi mãi.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Kommentare