Câu gốc: “Khi người lên ngôi, thì tuổi được ba mươi hai, và người cai trị tám năm tại Giê-ru-sa-lem; người qua đời chẳng ai tiếc người” (câu 20a).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Vua Giô-ram bị bệnh nan y và chết? Vì sao dân chúng chẳng ai kính trọng và thương tiếc vua khi ông qua đời? Nếu một mai bạn về với Chúa, theo bạn, những người chung quanh sẽ nghĩ gì về bạn?
Không phải lúc nào bệnh tật cũng là sự đoán phạt của Chúa nhưng trong trường hợp của Vua Giô-ram thì hoàn toàn đúng như vậy. Bởi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời mà Vua Giô-ram đã “chết cách đau đớn dữ tợn.” Cái chết này tương xứng với tình trạng thuộc linh tồi tệ của vua. Vua có lòng dạ quá xấu xa, đời sống thối nát, và ruột gan vua cũng vì bệnh mà “tan rớt ra.” Bệnh của vua kéo dài suốt hai năm, bị đau đớn dữ dội nhưng cho đến giây phút cuối cùng vua vẫn không hề biết ăn năn.
Vua Giô-ram chỉ cai trị có tám năm tại Giê-ru-sa-lem, điều đó cho thấy cuộc đời của vua không được Đức Chúa Trời ban phước. Chẳng những thế, điều tồi tệ chưa từng xảy ra là khi vua qua đời chẳng có ai thương tiếc (câu 20). Một vị vua lúc sống đã có những hành động rất gian ác ngay cả với người thân của mình, giết các em ruột để củng cố quyền lực nên bị dân chúng ghét bỏ và xem thường. Trong mắt người dân, ông Giô-ram không xứng đáng là vua của họ. Vì thế, họ không quan tâm nhiều đến vua, khi vua chết “dân sự không xông thuốc thơm cho người như đã xông cho tổ phụ người” (câu 19). Người ta vẫn chôn vua trong thành Đa-vít nhưng họ không chôn trong lăng tẩm của các vua. Khi còn sống vua chỉ nghĩ đến mình vì thế vua đã chết trong cô độc và sự ghẻ lạnh của mọi người.
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay ký thuật kết cuộc của một người đã sống một cuộc đời không ý nghĩa và không ích lợi cho ai. Đó cũng là kết cuộc của một người có tâm địa ác độc đã hãm hại người thân của mình, bất tuân mệnh lệnh của Chúa mà cưới người vợ thờ hình tượng, quyết định chọn đi theo đường lối của người ác và làm điều ác, đưa dân chúng vào sự thờ hình tượng, lìa bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình (II Sử-ký 21:4, 6, 10). Tất cả bất hạnh xảy ra cho Vua Giô-ram không phải là bất ngờ mà là sự rủa sả của Đức Chúa Trời dù đã nhiều lần báo trước với vua, và ngay cả cái chết của vua, nghi thức chôn cất vua và lễ tang không có sự thuơng tiếc của dân chúng cũng chính là sự đoán phạt của Chúa. Bài học Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta qua kết cuộc của Vua Giô-ram là đừng ai sống giống như vậy để khỏi phải nhận lãnh hậu quả của công việc tội lỗi mình đã làm. “Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát…” (Ga-la-ti 6:7-8a).
Kết cuộc của Vua Giô-ram cảnh báo bạn điều gì?
Lạy Chúa, xin cho con sốt sắng học Lời Chúa để biết và và vâng phục ý Chúa trong cuộc sống hầu cho con không phải nhận lãnh kết cuộc bi thảm vì những tội lỗi con đã phạm.
(c) 2023 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments