Câu gốc: “Đức Giê-hô-va Vạn Quân phán như vầy: Ta sẽ đập vỡ dân này và thành này cũng như đập cái bình bằng gốm, chẳng còn làm liền lại được…” (câu 11a).
Câu hỏi suy ngẫm: Lời Đức Giê-hô-va truyền cho Tiên tri Giê-rê-mi phải thực hiện điều gì? Những ai được cử đi để chứng kiến? Ý nghĩa của hành động này ra sao? So sánh giữa bình gốm trong chương 18 và bình gốm trong chương 19? Bạn thấy mình giống “bình gốm” nào?
Lời Đức Giê-hô-va truyền cho Tiên tri Giê-rê-mi phải đi mua một cái bình bằng gốm. Sau đó, ông sẽ mời một vài trưởng lão trong dân và mấy thầy tế lễ cao niên cùng đi đến trũng Tô-phết. Tại đó, Tiên tri Giê-rê-mi sẽ đập vỡ chiếc bình ông đã mua trước sự chứng kiến của các vị trưởng lão. Đức Giê-hô-va sai bảo tiên tri Giê-rê-mi thực hiện hành động này để bày tỏ cho người Ít-ra-ên biết rằng chính Ngài sẽ “…đập vỡ dân này và thành này cũng như đập cái bình bằng gốm, chẳng còn làm liền lại được…” (câu 11). Những thây người chết trong cơn đoán phạt này sẽ không có đủ chỗ để chôn! Nguyên nhân dẫn đến hậu quả thảm khốc như vậy là vì họ đã không làm những điều Đức Giê-hô-va phán dạy nhưng lại cứ cứng lòng cố tình làm những điều Ngài chẳng truyền bảo. Tiên tri Giê-rê-mi nhắc lại rất rõ ràng những điều vô cùng tệ hại ấy một lần nữa: Chúng nó đã lìa bỏ ta, đã dâng hương ở đó cho các thần khác là tà thần, chúng nó đã làm cho máu vô tội đầy nơi này, lại xây đắp các nơi cao cho Ba-anh đặng đốt con trai mình làm của lễ thiêu dâng cho Ba-anh (câu 4-5).
Những trưởng lão trong dân là những lãnh đạo chính trị, lãnh đạo tôn giáo, họ là những người có quyền thế, khôn ngoan và uy tín đại diện cho người dân. Theo lệnh truyền của Đức Giê-hô-va, chính các trưởng lão phải chứng kiến cảnh đau đớn này, vì họ đã không thực hiện đúng trách nhiệm của một người lãnh đạo. Cũng là bình gốm nhưng hình ảnh chiếc bình gốm trong chương 18 dù có bị hư nhưng vẫn còn cơ hội được người thợ gốm nhào nắn lại để trở nên chiếc bình vừa ý mình. Nhưng chiếc bình gốm trong chương 19 là chiếc bình đã nung qua lửa, trở nên cứng rắn, nếu không sử dụng được thì chỉ còn đập bỏ mà thôi.
Qua hình ảnh này, chúng ta thấy có những giai đoạn dân Chúa vẫn còn có thể tỉa sửa được, nhưng với sự cứng cổ nặng lòng như trong giai đoạn này (câu 15) thì chỉ còn cách phải đón nhận hình phạt từ Đức Giê-hô-va mà thôi. Liên hệ đến đời sống của mỗi chúng ta, khi phạm phải những lỗi lầm với Chúa và với nhau, nếu chúng ta biết ăn năn hối cải thì sẽ giống chiếc bình gốm có thể được Chúa yêu thương và nhân từ nhào nắn lại được. Nhưng nếu cứ cứng lòng, coi thường những lời nhắc nhở của Chúa, thì coi chừng đến thời điểm nào đó, Chúa sẽ đập vỡ chiếc bình gốm của cuộc đời chúng ta mà thôi.
Bạn cần làm gì để chiếc bình cuộc đời chúng ta không bị Chúa đập vỡ?
Kính lạy Ba Ngôi Đức Chúa Trời! Xin Ngài giúp con luôn mềm mại để được Ngài sửa dạy, để con không phải đón nhận hình phạt từ Ngài dành cho những đời sống cứng cỏi quyết tâm làm điều Chúa không hài lòng.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments