Câu gốc: “Kẻ nào gieo sự bất công sẽ gặt điều tai họa; và cây roi thịnh nộ nó sẽ bị gãy đi” (Châm-ngôn 22:8).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn đưa ra lời cảnh cáo về tội lỗi nào? Ông dùng hình ảnh nào để khẳng định sự chắc chắn của án phạt cho tội lỗi này? Vì sao những người quản trị Hội Thánh phải thực thi sự công bình, ngay thẳng?
Trong câu Châm-ngôn này, Vua Sa-lô-môn nêu lên án phạt cho người gieo sự bất công. “Sự bất công” ở đây trong nguyên nghĩa liên quan đến “công lý cơ bản,” nghĩa là đối xử công bằng, bình đẳng với mọi người bất kể tình trạng chủng tộc, địa vị xã hội hay kinh tế của họ. Để bổ sung cho khái niệm về công lý, Châm-ngôn 21:7 đề cập đến “điều ngay thẳng,” trong nguyên nghĩa là “công lý điều chỉnh,” nghĩa là đặt mọi thứ đúng đắn trở lại cho những người bị bóc lột. Như vậy, kết hợp cả hai khái niệm của công lý chúng ta nhận ra rằng vấn đề không phải là làm ác với những người khốn cùng trong xã hội mới là tội lỗi, nhưng không thực hiện sự công chính, cư xử thiếu công bằng, bình đẳng với người khác là tội lỗi, là “sự bất công,” và phải nhận hậu quả.
Có một điều đáng lưu ý, đó là “kẻ gieo sự bất công” lại được liên kết với “cây roi,” tiêu biểu cho quyền lực. Như vậy, tại đây Vua Sa-lô-môn đề cập đến những người lãnh đạo đã lạm quyền và cư xử bất công với những người dưới quyền hay yếu thế. Vì sao những người có thế lực hoặc ở trong vị trí lãnh đạo dễ bị cám dỗ để cư xử bất công với người khác? Vua Sa-lô-môn đã liên kết “cây roi” và “thịnh nộ.” “Thịnh nộ” còn có nghĩa là kiêu căng ngạo mạn. Chính sự kiêu ngạo, ảo tưởng về sức mạnh và quyền lực, không nhận biết Đấng Phán Xét tối cao đã khiến cho nhiều người sử dụng quyền hành của mình cách sai trật, thực thi “sự bất công,” và hậu quả là họ không nhận được gì ngoài “điều tai họa,” nguyên nghĩa là hư không, hư ảo, không có giá trị lâu dài. Hơn nữa, “cây roi thịnh nộ” của họ sẽ không lâu dài vì “sẽ bị gãy đi,” trong nguyên nghĩa là diệt vong hay lụi tàn. Vua Sa-lô-môn đã dùng hình ảnh “gieo - gặt” là luật nhân quả không thể tránh khỏi vì mọi người sẽ gặt điều họ gieo và thậm chí là gặt nhiều hơn (Ô-sê 8:7).
Hội Thánh là nơi thờ phượng Đức Chúa Trời Công Chính, vì vậy tất cả những người quản trị Hội Thánh phải thực thi sự công chính, ngay thẳng. Mọi việc phải được đặt trên nền tảng Lời Đức Chúa Trời, và phải cư xử với mọi người cách công bình. Những quyết định của chúng ta trong gia đình hoặc trong Hội Thánh đều phải đặt trên nền tảng công bình, đừng bao giờ để quyền lợi của mình hay gia đình mình chi phối cách cư xử với người khác. Trong việc quản trị Hội Thánh, xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn lắng nghe và làm theo lẽ thật của Đấng Công Chính.
Bạn có cư xử công bình với tất cả mọi người không?
Lạy Chúa, xin cho con sống trong Hội Thánh với lòng kính sợ Chúa, tôn trọng lẽ phải, cư xử với nhau bằng tình yêu thương, sự công chính và qua đó làm vinh quang Danh Ngài.
(c) 2023 Văn Phẩm Nguồn Sống - SVTK.net. Used by permission.
Comments