Câu gốc: “Chớ niêm phong những lời tiên tri trong sách này; vì thì giờ đã gần đến” (Khải Huyền 22:10).
Câu hỏi suy ngẫm: Ba cột mốc quan trọng của bảy mươi tuần lễ đánh dấu bằng những sự kiện nào? Những sự kiện ấy được ứng nghiệm ra sao trong lịch sử thế giới? Nhiều phần trong lời tiên tri này được ứng nghiệm một cách chính xác dạy con dân Chúa phải sống thế nào trong “tuần lễ” còn lại?
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay phác họa phần còn lại của lịch sử bằng ba cột mốc: Thứ nhất, bảy mươi tuần lễ được đánh dấu từ lệnh tu bổ và tái thiết Giê-ru-sa-lem. Thứ hai, sự xuất hiện của Đấng Chịu Xức Dầu (câu 25). Thứ ba, kỳ hủy diệt cuối cùng đã được ấn định (câu 27).
Lời tiên tri này được hiểu như thế nào? Chữ “tuần lễ” trong tiếng Hê-bơ-rơ là “shabua,” chỉ về một đơn vị của số bảy. Đơn vị ấy là gì sẽ được quyết định bởi ngữ cảnh. Dựa trên ngữ cảnh là số năm thành Giê-ru-sa-lem bị hoang vu và những điều Thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói đến. Theo các nhà giải kinh, “tuần” ở đây được hiểu là bảy năm; do đó, “bảy mươi tuần” sẽ là 490 năm. Năm 458 trước Chúa, Vua Ạt-ta-xét-xe đã ban sắc lệnh tái thiết thành Giê-ru-sa-lem (E-xơ-ra 7:11-26). Dù có nhiều đợt hồi hương trước đó, nhưng đây được nhiều người xem là năm đánh dấu cho bảy mươi tuần lễ. “Bảy tuần” đầu tiên (49 năm) có lẽ là khoảng thời gian cần để tái thiết thành thánh. Căn cứ theo cách tính này, mốc thời gian thứ hai “bảy tuần và sáu mươi hai tuần” (483 năm) chính là năm 32 sau Chúa. Đó là năm nằm trong thời điểm được các nhà sử học và giải kinh cho là Đấng Christ đã bị đóng đinh, biến cố đem đến sự “trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào” (câu 24).
Còn tuần lễ cuối cùng thì sao? Có nhà giải kinh cho rằng, có một giai đoạn xen ngang, kéo dài nhiều thế kỷ, giai đoạn xen ngang ấy là câu 26, còn tuần lễ cuối cùng bao gồm bảy năm đại nạn là câu 27. Một số người khác lại cho rằng không có “giai đoạn xen ngang” nào cả, mà chúng ta đang sống trong tuần lễ cuối cùng trước khi kẻ hủy diệt bị đoán phạt. Dù hiểu theo cách nào, chúng ta cũng thấy những dấu hiệu của tuần lễ cuối cùng đã ứng nghiệm, với thành thánh và đền thánh lại bị hủy phá, chiến tranh xảy ra (câu 26-27) đúng như dấu hiệu về ngày cuối cùng mà Chúa Giê-xu nói đến trong Ma-thi-ơ 24.
Qua sự bày tỏ về bảy mươi tuần lễ này, chúng ta thấy Chúa là Đấng hoạch định và điều phối cả dòng lịch sử. Nhiều điều Chúa phán đã hoàn toàn ứng nghiệm cho chúng ta hy vọng và nhắc nhở chúng ta về những điều còn lại cũng sẽ sớm được Chúa làm thành. Việc của chúng ta là tin cậy Ngài, trung tín, tỉnh thức và khôn ngoan sống trong “tuần lễ” cuối cùng này. Chúng ta không biết chắc ngày nào Chúa đến nhưng vững tin rằng Ngày Chúa đến gần rồi!
Cách bạn sống có thể hiện niềm tin nơi Ngày Chúa đến gần rồi không?
Tạ ơn Chúa đã ấn định dòng lịch sử và lịch sử đang đi theo sự sắp xếp của Ngài. Xin giúp con sống trong “tuần lễ” cuối cùng này với tinh thần thức canh và cầu nguyện.
(c) 2022 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments