top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

12-03 Đáp ứng tấm lòng của Đức Chúa Trời


 

Câu gốc: “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người” (câu 1).


Câu hỏi suy ngẫm: Để đáp ứng tấm lòng của Đức Chúa Trời trong câu 4, ông Ti-mô-thê và các tín hữu cần phải thực hiện những điều nào? Bạn đang thực hiện những mệnh lệnh này thế nào?


Giữa lúc Hội Thánh đang bị bức hại khốc liệt thì Sứ đồ Phao-lô nói với ông Ti-mô-thê “trước hết mọi sự”—nghĩa là điều ưu tiên nhất—“phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người” (câu 1), kể cả những người chưa tin Chúa, và nhất là “cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền” (câu 2). Cầu nguyện điều gì? Cầu nguyện cho họ “được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (câu 4), dù lúc đó Hoàng đế Nero gian ác vẫn đang ngồi trên ngôi của Đế quốc La Mã. Điều này cho thấy sự cứu rỗi cần cho mọi người, ngay cả những người xấu xa, gian ác nhất.


Để có thể thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời trong việc rao truyền Phúc Âm, điều trước hết chúng ta cần phải làm là cầu nguyện. Phải xem cầu nguyện là ưu tiên vì chúng ta đang ở trong trận chiến thuộc linh và chúng ta chỉ có thể chiến thắng bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Trong lãnh vực rao truyền Phúc Âm, nếu không bởi quyền năng của Đức Thánh Linh thì không ai có thể tin nhận Chúa Giê-xu được. Do đó, trước khi ra đi làm chứng hãy dốc đổ tấm lòng để “khẩn nguyện, cầu xin, kêu van” cho những người hư mất và xin Đức Thánh Linh chuẩn bị tấm lòng của họ để đón nhận Phúc Âm chúng ta đem đến.


Nhưng để lời cầu nguyện hiệu nghiệm, người cầu nguyện phải có ba điều. Thứ nhất là “tay thánh sạch,” biểu tượng cho một đời sống thánh khiết, một tấm lòng thanh sạch. Nếu trong lòng còn chứa chấp tội lỗi, chúng ta không thể cầu nguyện và trông mong Đức Chúa Trời đáp lời (Thi Thiên 66:18). Thứ hai, người cầu nguyện là người “chớ có giận dữ,” nghĩa là người có mối liên hệ tốt với anh chị em. Nếu một người hay giận hờn, bất hòa với các tín hữu khác thì đó là người gây phiền phức chứ không thể là người giảng hòa. Và thứ ba, không “cãi cọ,” trong nguyên ngữ từ này còn có nghĩa là “nghi ngờ.” Một người đến với Đức Chúa Trời phải có đức tin, không được nghi ngờ (Gia-cơ 1:5-8). Như vậy, để có thể trở nên người rao truyền Phúc Âm hữu hiệu chúng ta cần cầu nguyện, gây dựng đời sống thánh khiết, gây dựng đức tin nơi Đức Chúa Trời, và gây dựng mối thông công tốt đẹp với các anh chị em cùng niềm tin.


Hơn thế nữa, chúng ta cũng phải đứng lên, đi ra, tìm kiếm người hư mất và rao báo Phúc Âm cho họ. Chính Sứ đồ Phao-lô là minh chứng về sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cho những tín hữu về việc rao giảng Phúc Âm và cũng là tấm gương cho chúng ta trong công tác này (câu 7).


Bạn có muốn trở nên người dự phần trong ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời không?


Lạy Chúa, xin đặt gánh nặng những linh hồn hư mất trong lòng con và xin dùng con như một công cụ trong tay Ngài để rao truyền Phúc Âm cho họ.


(c) 2021 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

21 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page