Câu gốc: “...là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em” (I Phi-e-rơ 1:4)
Câu hỏi suy ngẫm: Di sản quý giá và bền vững mà Mục sư trẻ Ti-mô-thê nhận được là gì và từ ai? Sứ đồ Phao-lô khuyên ông điều gì? Bạn đang sở hữu cơ nghiệp nào và bạn để lại cho con cháu mình di sản gì?
Trong thư viết cho người con tinh thần là một mục sư trẻ đang quản nhiệm tại Ê-phê-sô, Sứ đồ Phao-lô nhắc lại di sản quý giá và vững bền mà Mục sư trẻ Ti-mô-thê đã nhận được từ bà và mẹ của mình, đó chính là di sản đức tin theo Cựu Ước. Sứ đồ Phao-lô tin rằng Mục sư Ti-mô-thê vẫn còn sở hữu di sản ấy (câu 5). Đây là một cơ nghiệp quý giá, bền vững, và không suy tàn mà gia đình, thế hệ trước đã truyền lại cho ông. Nhờ đó, khi gặp Sứ đồ Phao-lô, Mục sư Ti-mô-thê có cơ hội tiếp nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế và đức tin càng được trau giồi để trưởng thành hơn. Rồi ông trở thành học trò và cũng là con thuộc linh của Sứ đồ Phao-lô (Phi-líp 2:22).
Trong cương vị là một người thầy, người cha thuộc linh, Sứ đồ Phao-lô tiếp tục dẫn dắt và khuyên dạy Mục sư Ti-mô-thê. Một trong những điều quan trọng ông luôn nhắc nhở là Mục sư Ti-mô-thê nên “giữ lấy mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích…” và “nhờ Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành” (câu 13-14). Để di sản thuộc linh được gìn giữ và tiếp tục được lưu truyền thì Mục sư Ti-mô-thê phải nhớ và gìn giữ những điều mình được dạy dỗ và ủy thác. Và đó chính là cơ nghiệp quý nhất mà ông có được trong chức vụ phục vụ Chúa.
Theo văn hóa người Á Châu, ông bà cha mẹ thường cố gắng tích trữ tiền của để dành lại cho con cháu mình. Vì vậy, có nhiều cha mẹ Cơ Đốc ngày nay cố gắng làm việc kiếm tiền để có của ăn của để cho con cái. Nhưng họ quên một điều quan trọng là đối với con cái Chúa, Ngài muốn chúng ta phải ưu tiên lưu truyền di sản thuộc linh thay vì tài sản vật chất. Di sản thuộc thể sẽ dễ dàng qua đi, nhưng di sản thuộc linh là đức tin nơi Chúa mới tồn tại đời đời. Di sản vật chất chỉ là một phần nhu yếu của cuộc sống, nhưng di sản thuộc linh mới là nhu cầu chính của đời sống. Đó là cơ nghiệp không hư đi và cần thiết cho linh hồn các con mà các bậc cha mẹ cần phải để lại cho con cái mình. Như ví dụ Chúa Giê-xu dạy trong Lu-ca 12, khi người dại không biết lo đến linh hồn mình mà chỉ tích trữ của cải nên Chúa phán: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu-ca 12:20). Cha mẹ cần sống một đời sống gương mẫu theo Lời Chúa dạy và hướng dẫn con cái mình giữ đức tin nơi Chúa, học biết và vâng theo Lời Chúa.
Bạn đang cố để lại cơ nghiệp gì cho con cháu mình? Cơ nghiệp ấy có bền vững không?
Lạy Chúa, xin nhắc nhở con chú tâm vào việc lưu truyền di sản đức tin là cơ nghiệp bền vững đời đời cho con cháu con, thay vì chỉ lo cơ nghiệp vật chất hay hư nát và chóng qua.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments