Câu gốc: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Câu 1-4 cho chúng ta biết điều gì về Chúa Giê-xu? Phúc Âm Giăng bắt đầu bằng cụm từ “ban đầu” khiến độc giả liên tưởng đến điều gì trong Sáng Thế Ký 1? Mục đích của Sứ đồ Giăng là gì khi so sánh Ngôi Lời với Sáng Thế Ký 1? Làm sao bạn biết mình đã được Chúa “tái tạo” hay là một tạo vật mới?
Khác với Ma-thi-ơ và Lu-ca là hai sách Phúc Âm bắt đầu bằng gia phả và câu chuyện giáng sinh của Chúa Giê-xu, Phúc Âm Giăng bắt đầu bằng lời khẳng định về nguồn gốc thiên thượng của Ngài, “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (câu 1). Sứ đồ Giăng muốn độc giả xác định rõ từ đầu rằng Chúa Giê-xu không phải được Đức Chúa Trời tạo dựng mà Ngài chính là Đức Chúa Trời đời đời. Đây là lời khẳng định cho độc giả chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp cho rằng logos (Ngôi Lời) là một thực tại không có thân vị.
Mặt khác, Sứ đồ Giăng mở đầu Phúc Âm của mình bằng cụm từ “ban đầu”. Đây chính là cụm từ đã được dùng để mở đầu Kinh Thánh (Sáng Thế Ký 1:1). Thêm vào đó, ý niệm về việc tạo dựng “muôn vật bởi Ngài [Ngôi Lời] làm nên” (câu 3), ánh sáng và bóng tối (câu 4-5), về lời phán hay Ngôi Lời, là cách Sứ đồ Giăng muốn chúng ta liên tưởng và so sánh với Sáng Thế Ký 1. Thế thì, mục đích của Sứ đồ Giăng là gì khi muốn chúng ta so sánh Ngôi Lời mà ông đang nói đến với Sáng Thế Ký 1?
Thứ nhất, Sứ đồ Giăng muốn độc giả nhận biết Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời sáng tạo của Sáng Thế Ký 1. Vì Chúa Giê-xu không phải được tạo dựng nên Ngài không bất năng như con người. Thứ hai, ông muốn độc giả nhìn thấy một khởi đầu mới cho cõi tạo vật thông qua Ngôi Lời mà ông đang giới thiệu. Nếu Đức Chúa Trời của Sáng Thế Ký là Đức Chúa Trời sáng tạo thì Ngôi Lời của Sứ đồ Giăng là Đức Chúa Trời tái tạo. Nếu Đức Chúa Trời của Sáng Thế Ký tạo dựng thế gian bằng lời phán, thì Lời (hay Ngôi Lời) của Sứ đồ Giăng tái tạo nên thế giới bằng việc “trở nên xác thịt, sống giữa chúng ta” (câu 14). Cũng như Đức Chúa Trời của Sáng Thế Ký bởi “lời phán” (logos) mang ánh sáng vào nơi tối tăm, Ngôi Lời (Logos) là Chúa Giê-xu cũng đem ánh sáng chiếu vào trần gian tăm tối.
Sứ đồ Phao-lô cũng khẳng định: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). Chúa Giê-xu đến để tái tạo chúng ta nên con người mới hoàn toàn từ trong bản chất.
Bạn có thấy mình xu hướng về những điều làm đẹp lòng Chúa như Ga-la-ti 5:22 nói đến không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngôi Lời đã đến để con được tái tạo và phục hồi. Xin giúp con mỗi ngày trở nên trọn vẹn hơn giống như hình ảnh tạo vật ban đầu Ngài tạo dựng.
(c) 2020 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.
Comments