“Tôi chẳng cho ai hay biết sự gì Đức Chúa Trời đã khiến lòng tôi toan làm vì Giê-ru-sa-lem” (câu 12b).
Câu hỏi suy ngẫm: Khi đã trở về Giê-ru-sa-lem, ôngNê-hê-mi tiến hành công việc gì? Vì sao ông Nê-hê-mi đi khảo sát hiện trạng thành Giê-ru-sa-lem một mình? Tại sao ôngNê-hê-mi chưa nói ra những dự tính của mình về công việc xây cất bức tường thành? Bạn học được gì qua cách làm việc của ông Nê-hê-mi?
Sau khi được sự cho phép và giúp đỡ từ VuaẠt-ta-xét-xe, ông Nê-hê-mi đến gặp các tổng trấn bên kia sông trao chiếu chỉ của vua rồi đi đến Giê-ru-sa-lem. Ông cũng biết được có vài người bất bình vì thấy có người muốn giúp cho Ít-ra-ên hưng thịnh (câu 10), nên ông khá cẩn thận trong từng công việc của mình. Chúng ta thấy ông Nê-hê-mi đi khảo sát tình hình thực tế củaGiê-ru-sa-lem vào ban đêm, thậm chí chỉ đi một mình. Trong khi khảo sát, một lần nữa ông Nê-hê-mi xác định lại thực hư những gì ông đã nghe kể trước đó về tình hình đổ nát của bức tường thành Giê-ru-sa-lem, và ông thấy đúng y như lời ông được nghe (câu 13).
Khi công việc chưa chính thức bắt đầu, ông Nê-hê-mi không dám nói cho bất kỳ ai biết những dự định mà Chúa đặt để trong lòng ông. Không phải vì ông Nê-hê-mi sợ sệt, nhưng vì ông làm việc trong tinh thần cảnh giác, không muốn để kẻ thù nắm bắt thông tin, nhằm tránh những âm mưu phá hoại ngầm. Công việc xây cất tường thành là công việc Chúa, mỗi người dân Giu-đa đều phải có trách nhiệm chứ không riêng gì ông Nê-hê-mi. Nhưng trong vai trò khởi xướng công cuộc tái thiết này, ông Nê-hê-mi chỉ bày tỏ công khai và kêu gọi mọi người Giu-đa tham gia khi ông đã nắm bắt được tình hình chung khi thấy thời điểm đã đến. Chúng ta thấy được sự khéo léo, khôn ngoan, và cẩn trọng của ông Nê-hê-mi trong việc lãnh đạo dân chúng tái xây cất tường thành. Dù đã có Đức Chúa Trời mở lối cho ông, dù Vua Ạt-ta-xét-xe cũng đồng ý trợ giúp ông, nhưng không vì thế mà ông trở nên chủ quan và mất cảnh giác. Ngược lại, ông cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ, không muốn có bất kỳ có sự sai sót nào xảy ra; bằng mọi cách ông phải cùng dân chúng sớm xây cất lại tường thành.Trong công việc Chúa chung, chúng ta rất dễ dàng mất cảnh giác khi mọi thứ dường như quá suôn sẻ và thuận lợi.
Chúng ta thường dễ dàng nghĩ rằng, có Chúa ban phước và đồng hành với chúng ta trên công việc thì còn sợ gì. Chúng ta quên rằng chiếc thuyền của các môn đệ có Chúa đi cùng vẫn gặp bão tố (Mác 4:35-38). Kinh nghiệm của ông Nê-hê-mi là bài học quý báu cho mỗi chúng ta phải biết cẩn trọng trong từng công việc lớn nhỏ Chúa giao cho, nhằm hoàn thành công việc Chúa cách tốt nhất.
Bấy lâu nay chúng ta có làm công việc Chúa cách cẩn trọng như ông Nê-hê-mi không?
Lạy Chúa, xin cho con không chủ quan hay thờ ơ với mọi công việc lớn nhỏ Ngài giao cho con. Xin dạy con làm công việc Chúa cách khôn ngoan như gương của ông Nê-hê-mi hầu đem nhiều kết quả về cho Ngài.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.