“Hãy nhớ Lời Ta đã nói cùng các ngươi: Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi” (Giăng 15:20a).Câu hỏi suy ngẫm: Sự kiệnSứ đồ Phao-lô bị bắt trong Đền Thờ diễn ra như thế nào? Bạn nhìn thấy những điểm tương đồng nào giữa Sứ đồ Phao-lô và Chúa Giê-xu trong sự chịu khổ nạn?
Bạn được nhắc nhở gì trong câu chuyện hôm nay?Thời gian giữ lời khấn nguyện cùng bốn người anh em sắp kết thúc, thì những người Do Thái quê A-si(Ê-phê-sô) thấy ông Trô-phim, người Hy Lạp ở Ê-phê-sô, nên nghi ngờ Sứ đồ Phao-lô dẫn ông Trô-phim vào Đền Thờ. Sứ đồ Phao-lô am hiểu luật pháp, biết rõ khu vực nào người ngoại bang không được phép vào, chắc chắn ông không để ông Trô-phim vào trong Đền Thờ được. Tuy nhiên, họ vẫn xách động dân chúng bắt Sứ đồ Phao-lô. Họ vu cáo ông giảng dạy chống nghịch dân tộc, luật pháp, và Đền Thờ (câu 27-28). Trong khi đó, Sứ đồ Phao-lô đã yêu thương người Do Thái hết lòng, tận dụng mọi cơ hội để truyền giảng Phúc Âm, giúp họ nhận biết ý nghĩa thật của luật pháp. Ông vui lòng giữ luật khấn nguyện của người Na-xi-rê theo lời khuyên của các trưởng lão để an lòng anh em Do Thái, dù ông biết những việc ấy không có ý nghĩa nào trong sự cứu rỗi nhận nơi Chúa Giê-xu.Mặc dù những lời cáo buộc ông không có cơ sở nhưng đám đông đã hung hăng, bắt và kéo ông ra khỏi Đền Thờ để giết. Thậm chí nhiều người không biết Sứ đồ Phao-lô là người Do Thái, đến khi ông nói bằng tiếng Hê-bê-rơ thì họ ngạc nhiên và chú ý lắng nghe (câu 2).
Đám đông mù lòa thuộc linh hùa theo lời xách động mà không hiểu rõ họ đang làm gì. Trong lúc thập tử nhất sinh, sự can thiệp kịp thời của quan quản cơ đã giữ mạng sống của Sứ đồPhao-lô. Ông này hiểu lầm Sứ đồ Phao-lô là người đã cầm đầu bốn ngàn người nổi loạn ở Giê-ru-sa-lem trước đây nên đã trói ông bằng hai dây xích và giải về đồn (câu 33-38). Dù vậy, viên quản cơ này là người đầu tiên lắng nghe Sứ đồ Phao-lô nói và nhận ra ông là người có học thức, có thể tin cậy. Ông tạo điều kiện cho Sứ đồ Phao-lô có cơ hội để biện hộ trong khi đám đông hung bạo, giận dữ kéo theo và hét lớn: “Hãy giết nó đi!”Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế Giê-xu trong phiên tòa của Tổng đốcPhi-lát. Ngài là Đấng Mết-si-a đến giữa vòng tuyển dân nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Họ chối bỏ, chống đối, vu oan và ép Ngài vào con đường thập giá. Thật đầy tớ không hơn chủ như Lời Chúa Giê-xu đã phán dạy!
Bạn đang chịu bức hại vì Phúc Âm, hay bạn có tai biết lắng nghe để hiểu người khác, hay bạn là một người trong đám đông đang giận dữ thét gào? Bạn có sẵn sàng chịu khổ vì Phúc Âm không?
Lạy Chúa, xin cho con có tai biết lắng nghe để hiểu người khác, can đảm đối diện với sự bức hại của thế gian, và ban cho con sự khôn ngoan bước đi trung tín với Ngài đến giây phút cuối cùng.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.