“Ê-li-a-síp, thầy tế lễ thượng phẩm, chỗi dậy với các anh em mình, là những thầy tế lễ, và xây cất cái cửa Chiên”(câu 1a).
Câu hỏi suy ngẫm: Những người đầu tiên được nhắc trong tiến trình xây sửa tường thành Giê-ru-sa-lem là ai? Họ giữ chức vụ gì trong Giu-đa? Bạn học được gì từ sự nhiệt tình tham gia xây sửa vách tường thành của những người này?
Chúng ta biết những tâm tình chia sẻ khải tượng về việc xây sửa lại vách tường thành của ông Nê-hê-mi đã khích lệ toàn dân Giu-đa cùng nhau hợp sức tiến bước vào công trường xây dựng. Nê-hê-mi 3 tái hiện tiến trình khởi đầu xây sửa lại vách tường thành Giê-ru-sa-lem với những người dân thành Giu-đa đang rất hăng hái đóng góp sức lực của mình vào công trình chung của dân tộc. Đặc biệt là mở đầu phân đoạn Kinh Thánh mô tả công tác xây dựng này ghi lại phần công việc của Thầy Tế lễ Thượng phẩm Ê-li-a-síp cùng các anh em của ông là những thầy tế lễ. Có lẽ chúng ta thấy quen thuộc với hình ảnh thầy tế lễ dâng sinh tế, lo các công việc thánh trong Đền Thờ hơn là hình ảnh thầy tế lễ với những vật liệu xây dựng trong tay, đổ mồ hôi xây cất lại cổng Chiên.
Thật khó tưởng tượng một thầy tế lễ thượng phẩm uy nghiêm đạo mạo được mọi người kính trọng như ông Ê-li-a-síp, cùng các thầy tế lễ khác lại có thể từ bỏ hình ảnh uy nghi của mình, mà bắt tay vào việc xây cất như bao người dân thường khác. Chắc chắn những người Giu-đa rất được khích lệ và càng nỗ lực thêm để góp phần vào công trình ý nghĩa này. Không phải ngẫu nhiên hay vô tình mà trước giả sách Nê-hê-mi ghi chép chi tiết này vào đầu danh sách những người xây dựng lại công trường. Nhưng trước giả muốn độc giả biết rằng việc tái lập tường thành Giê-ru-sa-lem là nghĩa vụ và trách nhiệm chung của mọi người dân Giu-đa, không phân biệt giai cấp hay địa vị.Nếu như năm xưa, ngay cả thầy tế lễ thượng phẩm, người cao trọng nhất cũng chung tay góp sức vào công trình xây cất lại tường thành Giê-ru-sa-lem, thì không có lý do gì mà một ai đó trong thời đại của chúng ta lại được miễn phần tham gia trong công việc Nhà Chúa.
Chúng ta cần tránh tình trạng quan liêu, phân biệt giai cấp trong Hội Thánh (Mác 10:42-45). Người lãnh đạo phải khôn ngoan phân bổ công việc hợp lý và hòa mình cùng với mọi người trong mọi công việc, để nhờ đó mà nhiều người được khích lệ qua chính sự lãnh đạo trong tinh thần đầy tớ, có trách nhiệm, hòa đồng, và cùng gánh vác công việc chung của Nhà Chúa.Bạn nghĩ gì về lời dạy của Chúa: “Hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người” (Mác 10:43-44)?
Lạy Chúa, dù Chúa đặt để con ở cương vị nào, xin Chúa cho con sốt sắng và hết lòng cùng với anh chị em góp phần tích cực vào công việc chung của Ngài. Xin giúp con phục vụ trong tinh thần đầy tớ như Lời Ngài dạy.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.