“Hãy hết lòng tin cậy Ðức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm Ngôn 3:5-6).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Binh-đát tiếp tục bênh vực sự công chính của Chúa như thế nào? Tại sao lời khuyên của ông Binh-đát trở nên vô ích với ông Gióp? Bạn áp dụng bài học thế nào khi khuyên dạy người khác trong sự hoạn nạn của họ?Ông Binh-đát tiếp tục bênh vực đặc tính bất biến luôn công bình của Đức Chúa Trời. Ông khẳng định rằng nếu ông Gióp công bình thì không bị hình phạt. Ông khuyên ông Gióp nên học bài học lịch sử (câu 8-11), “hãy hỏi dòng dõi đời xưa,” phải chấp nhận rằng con người “chẳng biết gì” và đời người qua nhanh “khác nào một cái bóng.” Lịch sử bày tỏ rằng khi con người phạm tội, Đức Chúa Trời luôn phạt, sửa trị để đem con dân Chúa trở về đường ngay, lẽ phải và trở về với Đức Chúa Trời.Ông Binh-đát trình bày thêm về sự công chính của Đức Chúa Trời qua thiên nhiên (câu 11-19). Ông cho rằng mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó, như không có đầm lầy thì làm sao sậy mọc lên được, không có nước thì lác mọc được sao (câu 11). Cùng một lý luận như vậy, khi con người không nương cậy, không kính sợ Đức Chúa trời thì trước sau cũng bị hư mất (câu 13).
Con người với sự khôn ngoan hạn chế của mình với đời người ngắn ngủi sẽ mau qua đi, thế hệ mới sẽ tiếp nối mà không nhận biết thế hệ đã qua (câu 18-19). Ông Binh-đát đưa ra kết luận rằng Đức Chúa Trời chẳng từ bỏ người trọn vẹn, sẽ ban cho họ niềm vui, hy vọng, và sẽ hình phạt người ác (câu 20-22).Lý luận của ông Binh-đát về sự công bình của Đức Chúa Trời không sai, nhưng lời khuyên của ông sai vì sự hiểu biết của ông có giới hạn. Hoạn nạn đến với ông Gióp không phải từ tội lỗi của ông, cũng không phải là nguyên do từ tội lỗi của các con ông, nên lời khuyên của ông Binh-đát tuy đúng nhưng lại hóa ra không hiệu quả với ông Gióp. Trong Giăng 9:1-3, khi các môn đệ hỏi vì tội của ai khiến người kia bị mù, Chúa Giê-xu đã trả lời rằng, người bị mù không phải do tội của cha mẹ hay của chính người mù, nhưng để công việc của Đức Chúa Trời được bày tỏ.
Là những người làm ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu, chúng ta cần phải cẩn thận trong lời khuyên dạy của mình. Những sự khôn ngoan, kinh nghiệm chúng ta đôi khi không đem lại kết quả tốt và đúng cho con cháu và người thân chúng ta. Chúng ta cần phải cầu nguyện, tìm cầu ý Chúa trong mọi việc làm của chúng ta, phải có sự đồng cảm, hiểu biết với những người đang ở trong hoạn nạn, nghịch cảnh.
Bạn có xin Chúa cho mình sự khôn ngoan, lòng bác ái trong sự khuyên dạy người khác không?
Lạy Chúa Công Chính, xin cho con biết yêu thương, cầu nguyện, giúp đỡ anh chị em con trong hoạn nạn bằng sự khôn ngoan, soi sáng của Chúa, chứ không bằng sự khôn ngoan của con.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.