Nghe
“Ví bằng tôi có tội hay là phạm điều gì đáng chết, thì tôi chẳng từ chối chết đâu; trái lại, nếu trong đơn từ họ kiện tôi không có cớ gì hết, thì chẳng ai được nộp tôi cho họ. Tôi kêu nài sự đó đến Sê-sa” (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Điều gì cho thấy các lãnh đạo tôn giáo tại Giê-ru-sa-lem nuôi dưỡng lòng căm thù và ước muốn hãm hại Sứ đồ Phao-lô đến cùng? Tại sao Sứ đồ Phao-lô kháng cáo lên Hoàng đế Sê-sa? Bạn học được gì về con đường đi đến La Mã của Sứ đồ Phao-lô?
Quan Tổng đốc Phê-tu nhậm chức được ba ngày thì ông từ Sê-sa-rê lên Giê-ru-sa-lem thăm thủ phủ tôn giáo của người Do Thái. Tại đây, các thầy tế lễ cả và những bậc trưởng thượng trong Do Thái lại tiếp tục đưa đơn kiện Sứ đồ Phao-lô. Họ cố xin quan tổng đốc đưa Sứ đồ Phao-lô về xét xử tại Giê-ru-sa-lem để họ thực hiện âm mưu giết ông dọc đường. Thế nhưng quan tổng đốc không đồng ý và yêu cầu họ đến Sê-sa-rê để kiện cáo. Đã hai năm trôi qua, mặc dù Sứ đồ Phao-lô đã bị giam giữ trong tù nhưng lòng căm thù và quyết tâm giết chết Sứ đồ Phao-lô vẫn còn trong lòng các lãnh đạo tôn giáo. Khi một người nuôi dưỡng lòng căm thù và dã tâm hãm hại người khác thì tội lỗi sẽ bám chặt người ấy không rời.
Vừa trở về Sê-sa-rê, Tổng đốc Phê-tu mở ngay phiên tòa để xét xử vụ án. Khi Sứ đồ Phao-lô bước ra thì những người Giu-đa từ Giê-ru-sa-lem đến đã vây quanh ông, tố cáo ông nhiều tội nặng nề nhưng không nêu được bằng chứng nào. Bị cáo Phao-lô khẳng định mình vô tội trước luật pháp người Do Thái cũng như luật pháp của người La Mã. Ông biết rõ và tuân giữ nghiêm ngặt tất cả luật pháp. Ông mạnh mẽ tuyên bố: “Ví bằng tôi có tội hay là phạm điều gì đáng chết, thì tôi chẳng từ chối chết đâu” (câu 11).
Quan tổng đốc muốn làm vừa lòng người Do Thái nên hỏi Sứ đồ Phao-lô có muốn lên thành Giê-ru-sa-lem để xét xử không thì ông đã thẳng thắn từ chối và sử dụng quyền công dân La Mã để kháng cáo lên Hoàng đế Sê-sa. Qua đó, chúng ta học được hai điều. Thứ nhất, sự khôn ngoan Chúa ban cho Sứ đồ Phao-lô, ông biết rõ ý Chúa sai phái ông đến La Mã để làm chứng về Chúa (23:11), và đây cũng là điều ông ao ước (Công-vụ Các Sứ-đồ 19:21; 23:11; Rô-ma 1:10). Vì vậy, ông quyết định sử dụng quyền công dân La Mã cách khôn ngoan để có thể đến La Mã an toàn và hợp pháp. Thứ hai, dù đi theo sự sai phái của Chúa, nhưng đường đến La Mã không phải là con đường đầy hoa mà là con đường hẹp. Điều quan trọng khi đồng đi với Chúa không phải là con đường như thế nào nhưng là sự vâng phục trọn vẹn.
Bạn đang vâng phục ý Chúa hay đi theo ý riêng mà phục vụ Chúa?
Lạy Chúa, “Xin cho con đi đường Ngài, dạy con lối đi! Xin Cha ban ơn điều động, dạy con lối đi! Dạy con theo lối đường Ngài, lòng tin nơi Chúa hoàn toàn, dìu theo ánh sáng từ trời, dạy con ý Cha!”
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.