“Vậy bây giờ, lạy Đức Chúa Trời của chúng tôi ơi! Là Đức Chúa Trời rất lớn rất quyền năng và đáng sợ, hằng giữ giao ước và sự nhân từ, xin chớ coi nhỏ mọn trước mặt Chúa các việc đau đớn cực nhọc đã giáng trên chúng tôi”(câu 32a).
Câu hỏi suy ngẫm: Người Ít-ra-ên tuyên xưng Chúa là Đấng như thế nào? Những gian khổ mà họ phải chịu đến từ đâu? Trong câu cuối, người Ít-ra-ên đã có đáp ứng tích cực nào? Bạn có kinh nghiệm giống như người Ít-ra-ên không?
Phân đoạn Kinh Thánh này là phần kết của cả bài cầu nguyện mà dân Chúa dâng lên cho Ngài. Một lần nữa, khi nhìn lại hành trình lịch sử với đủ những cung bậc cảm xúc đan xen nhau, người Ít-ra-ên khẳng định rằng Chúa là Đấng Quyền Năng. Ngài giải cứu và bảo vệ tổ phụ họ trong những cơn hoạn nạn sống còn. Ngài cũng là Đấng giữ giao ước đến đời đời. Dẫu tổ phụ họ nhiều lần không vâng lời Ngài, Ngài vẫn dùng sợi dây yêu thương để trói chặt họ trong mối giao ước với Ngài. Thật chỉ bởi ơn Chúa mà dân tộc họ mới có thể quay về quê hương và tái xây cất lại bức tường thành đã đổ nát. Thế nhưng có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận, ấy là bởi những tội lỗi mà tổ phụ họ gây ra đã khiến họ phải làm nô lệ trong chính mảnh đất từng thuộc quyền sở hữu của tổ phụ họ. Người Ít-ra-ên phải sống trong cảnh bị chèn ép, bị bóc lột, và tủi hổ. Chính vì thế, mà dân Chúa đã khẩn thiết cầu xin Chúa thôi giáng những hoạn nạn trên dân tộc họ. Họ thật sự ăn năn về những tội lỗi của dân tộc mình. Và điều quan trọng hơn hết là họ xin được tái cam kết bước vào mối giao ước bền chặt với Chúa. Đó là lý do vì sao mà trong câu 31, người Ít-ra-ên nhắc đến Chúa là Đấng giữ giao ước. Vì họ muốn được tái cam kết với Chúa, được sống trong vòng tay yêu thương và bảo vệ của Ngài. Một trong những giá trị lớn nhất mà người Ít-ra-ên học được khi nhìn ngược về lịch sử, ấy là quyết định quay trở về bên vòng tay nhân từ của Chúa và sống với địa vị là dân giao ước của Ngài.
Chúng ta thật tạ ơn Chúa vì sự nhân từ của Ngài mà Ngài hằng giữ giao ước đến đời đời. Thế nhưng, chúng ta đừng ỷ lại vào sự nhân từ ấy mà phải chuốc lấy những hậu quả đau buồn như người Ít-ra-ên từng phải chịu. Ngài là Đấng giữ giao ước, nhưng không vì cớ đó mà Ngài bỏ qua những hành vi tội lỗi của chúng ta. Hãy nhớ rằng trong giao ước của Chúa bao giờ cũng có điều kiện chúng ta phải sống và làm theo Lời Chúa thì Ngài mới ban phước cho chúng ta trong con đường mình. Nhìn về Hội Thánh, gia đình, và bản thân, cá nhân mỗi chúng ta đang ở đâu trong mối giao ước với Ngài?
Bạn có quyết định gì với Chúa trong ngày hôm nay?
Tạ ơn Chúa là Đấng giữ giao ước đến đời đời. Xin dạy con luôn đi trong đường lối và giềng mối của Ngài. Xin cho con luôn được sống trọn vẹn trong mối giao ước với Chúa luôn.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.