Câu gốc: “Chim hạc giữa khoảng không tự biết các mùa đã định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở. Nhưng dân Ta chẳng biết luật pháp của Đức Giê-hô-va!” (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời ví thái độ chẳng biết luật pháp của dân Chúa ngược lại với đặc điểm của loài chim thiên di như thế nào? Chúa muốn dạy dân Chúa điều gì khi so sánh như vậy? Bài học áp dụng cho bạn là gì?
Trong câu 6, Đức Chúa Trời đã ví thái độ của dân Chúa không chịu ăn năn tội, cứ miệt mài đi theo ý riêng khác nào ngựa xông vào trận mạc. Và trong câu 7, Ngài lại ví thái độ chẳng hiểu, chẳng biết luật pháp Chúa của dân Ngài ngược lại với sự hiểu biết của loài chim biết quy luật thời tiết để thiên di khi mùa đông đến, và biết thời điểm nắng ấm để quay trở về. Đức Chúa Trời tạo dựng muôn loài vạn vật và Ngài cũng đã thiết lập những quy luật riêng cho từng loài thọ tạo. Ngài dựng nên các loài chim trời vào ngày thứ năm của công cuộc sáng tạo (Sáng Thế Ký 1:20-23). Hình ảnh chim hạc, chim cu, chim yến, chim nhạn hằng năm khi đến mùa gió bấc, thì chúng lần lượt bay về phương Nam để tránh cái rét của mùa đông, rồi khi xuân về chúng biết bay trở lại chỗ cũ để sinh sản, cho thấy loài chim không chỉ là con vật sống theo bản năng nhưng chúng còn biết quy luật của Chúa mà tuân giữ nghiêm ngặt để sống còn.
Đức Chúa Trời dựng nên con người cao quý hơn loài vật bội phần vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, đồng thời Ngài cũng ban cho hơi sống của Ngài nữa. Hơn nữa, người Ít-ra-ên còn là dân được Chúa chọn lựa và biệt riêng ra cho Ngài, được Chúa ban luật pháp để vui hưởng tự do và phước hạnh. Thế nhưng, thật đáng buồn khi dân Chúa cứ miệt mài với tội lỗi nên “chẳng biết luật pháp của Đức Giê-hô-va,” quyết định sống theo ý riêng mình, bỏ ngoài tai những điều Ngài phán dạy. Họ nghĩ rằng họ đang sống trong tự do theo ý tưởng của mình, nhưng thực chất họ đang tự đưa mình vào vòng trói buộc và nô lệ cho tội lỗi, tư dục xác thịt.
Chúng ta cũng vậy, nếu không có luật pháp là Lời của Chúa chỉ đường, không biết những vạch mốc giới hạn, thì chúng ta không thể đạt đến ý nghĩa của sự tự do thật. Khi chúng ta bất tuân luật pháp của Đức Chúa Trời thì chúng ta có tự do nhưng là tự do để làm theo điều ác của Sa-tan sai khiến. Ngược lại, khi chúng ta vâng giữ luật pháp Chúa thì sẽ được tự do làm theo Lời Chúa răn dạy. Tự do làm theo sự sai khiến của Sa-tan thì sẽ nộp mình để những điều tối tăm ràng buộc và sẽ dẫn chúng ta đến sự chết. Còn tự do làm theo Lời Chúa thì dẫn chúng ta đến sự sống và sự sống đời đời.
Bạn đã kinh nghiệm sự tự do thật như thế nào khi vâng giữ luật pháp Chúa?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin giúp con biết ý thức sự tốt lành khi làm theo những điều Ngài truyền dạy trong luật pháp để được kinh nghiệm sự tự do thật và phước hạnh Ngài ban.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.