Câu gốc: “Các người này ở về đời Giô-ha-kim, con trai của Giê-sua, cháu Giô-sa-đác, về đời Nê-hê-mi, quan tổng trấn, và về đời E-xơ-ra, làm thầy tế lễ và văn sĩ”(câu 26).
Câu hỏi suy ngẫm: Đây là bảng danh sách thứ mấy trong sách Nê-hê-mi? Những bảng danh sách ấy đã giúp ích gì cho người Ít-ra-ên? Tầm quan trọng của việc học biết lịch sử giáo hội là gì?
Trong sách Nê-hê-mi có tất cả năm bảng danh sách, bao gồm: Những chương đầu phân định các khu vực khác nhau của vách thành Giê-ru-sa-lem và tên của những người chịu trách nhiệm từng khu vực (3:1-32); tiếp đến là bảng gia phổ và một danh sách gần 50,000 người lưu đày trở về lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của hai ông Xô-rô-ba-bên và Giê-sua (7:1-73); kế đó là danh sách liệt kê những người tái lập giao ước sau khi công trình sửa được hoàn tất (10:1-27); tiếp theo là danh sách những người được đưa đến thành Giê-ru-sa-lem trong kế hoạch phục hồi dân số và những người có nhà ở khác trong Giu-đa (11:1-36); và cuối cùng là danh sách những thầy tế lễ, người Lê-vi cùng hậu duệ của họ đã trở về lần đầu với hai ông Xô-rô-ba-bên và Giê-sua (12:1-26). Có thể nói những bảng danh sách này là một phần lịch sử không thể thiếu của người Ít-ra-ên. Bởi nhờ những bảng gia phổ và danh sách đó mà các thế hệ sau của người
Ít-ra-ên có thể truy theo nguồn gốc để biết nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh đó, những tên được ghi lại trong bảng gia phổ và những con số biết nói trong những bảng danh sách liệt kê giúp cho những thế hệ kế thừa của họ nhìn thấy công việc quyền năng của Chúa trong những năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Năm 2011 là thời điểm chúng ta vui mừng kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam. Năm 2017 là thời điểm cả thế giới vui mừng kỷ niệm 500 năm ngày cải cách giáo hội. Nhờ những dịp kỷ niệm đó, có rất nhiều người biết thêm về lịch sử của giáo hội, biết đến việc Chúa làm, và biết đến công khó của những bậc tiền nhân. Rất nhiều người được khích lệ khi ôn lại sự hy sinh và lòng kiên định trong đức tin của những bậc tiền bối đi trước. Dẫu trong lịch sử có rất nhiều khó khăn, nhưng khi nhìn lại quảng thời gian đã qua, chúng ta không thể không tạ ơn Chúa bởi những việc lớn và khó mà Ngài đã làm trên con dân Chúa. Lịch sử giáo hội giúp chúng ta nhìn thấy ơn thương xót của Chúa qua bao năm tháng, giúp chúng ta nhìn thấy những cuộc đời trung tín đến cuối cùng, và cũng nhận ra những sai trật từng mắc phải trong quá khứ và mà thế hệ sau cần phải tránh. Nếu không nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ khó lòng tiến về phía trước, bởi nếu không hiểu lịch sử, chúng ta sẽ không nhìn biết công việc Chúa và cũng không nhận ra mình là ai trong dòng chảy của lịch sử giáo hội.
Đâu là điều bạn muốn cảm tạ Chúa khi nhìn về lịch sử của Hội Thánh mình?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì sự thương xót lớn lạ mà Ngài dành cho dân tộc con. Xin dạy mỗi chúng con hết lòng đi theo Ngài, để thế hệ mai sau thấy chúng con tín trung.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.