Câu gốc: “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:7).
Câu hỏi suy ngẫm: Người chồng đáp ứng thế nào với tấm lòng của người vợ? Sự chủ động của cả hai vợ chồng đem đến kết quả nào? Đâu là những trở ngại lớn nhất để hòa giải khi hai vợ chồng xung đột? Bạn rút ra những nguyên tắc nào để giải quyết xung đột trong gia đình?
Bất kỳ một xung đột nào trong hôn nhân cũng thường đến từ hai phía, và bất kỳ một giải pháp nào cho những xung đột đó cũng cần sự tham dự của hai phía. Đôi vợ chồng trong câu chuyện này cũng không ngoại lệ. Họ đã xung đột vì thiếu cảm thông, nhưng người vợ đã nhận ra sai lầm và nhanh chóng hành động để giải quyết xung đột đó. Còn người chồng mặc dù bị tổn thương nhưng đã đáp lại tấm lòng của vợ bằng sự tha thứ, thể hiện qua lời nói êm dịu và yêu thương. Trong mắt người chồng, vợ của chàng không những “đẹp như Thiệt-sa,” là vùng quê yên tĩnh, nổi tiếng đẹp đẽ, và sau này là thủ đô của vương quốc miền Bắc, mà còn “có duyên như Giê-ru-sa-lem,” và nàng lại còn tuyệt vời, thu hút, đầy cảm xúc như “đạo quân giương cờ xí” (câu 4). Cho dù hai vợ chồng có những phút bất hòa, giận hờn, cãi lẫy nhưng vẫn không ai sánh được với nàng (câu 8-9). Tình yêu thương có thể khỏa lấp mọi sự, chiến thắng mọi sự, ngay cả tự ái của một người đàn ông.
Xung đột trong hôn nhân là điều không cặp vợ chồng nào muốn xảy ra nhưng lại là điều thường xảy ra trong cuộc sống hôn nhân. Vấn đề quan trọng là cách vợ chồng cùng nhau đối diện và giải quyết xung đột. Xung đột sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi không được nói ra để cùng nhau giải quyết. Mỗi người đều tự ái mà không ai chủ động làm hòa, không tha thứ, thậm chí trong lúc nóng nảy đã dùng những lời nặng nề với nhau, đồng thời không tích cực giải quyết nhưng kéo dài và tránh né đối diện với xung đột.
Tình yêu bao dung, lời nói yêu thương, và sự tha thứ, chính là những yếu tố không thể thiếu cho một hôn nhân phước hạnh. Và một khi cả hai đều lấy tình yêu và sự tha thứ mà đối đãi nhau thì sự hòa hợp giữa họ lại được khôi phục. Người vợ đã lại lên xe để trở về cùng chồng (câu 11-12) như nàng đã từng vui mừng, hãnh diện khi ngồi trên kiệu về nhà chồng trong ngày cưới (3:7). Hình ảnh hiệp một hoàn toàn trong hôn nhân được tái diễn. Hơn thế nữa, sự tha thứ đem hai vợ chồng trở lại trong niềm vui và trong sự gần gũi bày tỏ qua “điệu nhảy Ma-ha-na-im” (câu 13) – “Ma-ha-na-im” nghĩa là “hai trại quân,” nơi thiên sứ hiện ra với ông Gia-cốp trước khi ông trở về gặp ông Ê-sau (Sáng Thế Ký 32), và cũng là tên một điệu nhảy (the dance of the two camps).
Bạn đã có kinh nghiệm niềm vui sau khi giải quyết xong xung đột không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài về tình yêu và sự tha thứ mà Ngài dành cho con, xin cho con bày tỏ tình yêu và sự tha thứ đó trong chính cuộc sống hôn nhân của con.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.