Câu gốc: “Ta sẽ lại tra tay trên ngươi, làm tan sạch hết cáu cặn ngươi, và bỏ hết chất pha của ngươi” (Ê-sai 1:25).
Câu hỏi suy ngẫm: Giải pháp của Đức Giê-hô-va ra sao trước những sai phạm, dối trá của dân Chúa? Cụm từ “làm cho tan chảy và thử” mang ý nghĩa gì? Khi đối diện với sự sửa phạt, bạn nhận biết điều gì về bản thân và về Đức Chúa Trời?
Hai câu hỏi của Đức Giê-hô-va trong câu 9 cũng chính là lời khẳng định cho việc Ngài sẽ “thăm phạt chúng nó về mọi điều ấy” và Thần của Ngài sẽ “trả thù một nước dường ấy.” Đức Giê-hô-va sẽ “làm cho tan chảy và thử” dân của Ngài. Cụm từ này mô tả công việc của một người thợ luyện bạc. Giống như bạc cần tinh luyện để được sạch những cáu cặn, thì tuyển dân cũng cần được tinh luyện để loại bỏ những tạp chất, những cáu cặn là tội lỗi mà họ đang chất chứa trong đời sống. Cụ thể đó chính là những lời nói dối trá và những lời độc dữ với anh em (câu 1-6).
Hình phạt mà tuyển dân sắp phải đón nhận được Đức Giê-hô-va xem đó là quá trình thử luyện mà họ cần trải qua. Vì thế, thoạt đầu nhìn thấy có thể là điều đau buồn, nhưng thật ra đây là niềm vui, là tình yêu Đức Chúa Trời dành cho họ. Tạp chất mà họ cần loại bỏ là đời sống giả dối thể hiện qua lời nói và việc làm không chân thật. Không những họ nói lời dối trá để lừa phỉnh anh em, mà miệng họ còn buông lời độc dữ với anh em mình. Chúa yêu thương đã ban Luật Nhân Từ để dân Ngài đối đãi với nhau, để qua đó Dân Ngoại nhìn biết họ là tuyển dân của Chúa khi thấy tình yêu thương họ bày tỏ qua đời sống chân thật, nhân từ (Giăng 13:35). Nếu Chúa bỏ qua hình phạt thì đời sống tuyển dân Chúa vẫn còn chất chứa những điều tội lỗi, họ vẫn được hanh thông “trong xứ lớn mạnh” (câu 3), thì chắc rằng sẽ không bao giờ họ có cơ hội thức tỉnh để ăn năn. Song chính hình phạt ấy là lửa thử luyện để họ nhìn thấy những điều sai trật trong đời sống mình và thấy được Đức Chúa Trời yêu thương luôn trông mong nhìn thấy dân Chúa làm điều chân thật để nhận được phước hạnh Ngài ban.
Phải thành thật nhìn nhận rằng, trong chúng ta vẫn còn vương vấn nhiều điều “cáu cặn,” và đó là lý do chúng ta đối diện với sự sửa phạt của Chúa. Những khi ấy chúng ta cần nhận biết rằng đây là những đợt rèn thử mà Chúa đưa đến để “làm cho tan chảy và thử,” nhằm loại bỏ những “cáu cặn” trong đời sống chúng ta, giúp chúng ta đi trọn con đường nên thánh cách kết quả như điều Ngài muốn.
Bạn có tạ ơn Chúa khi được Ngài rèn thử, sửa phạt không?
Tạ ơn Chúa đã dùng những nghịch cảnh, hoạn nạn để rèn thử con, giúp con loại bỏ những “cáu cặn,” để con mỗi ngày được tinh ròng hơn, sống xứng đáng là con của Ngài.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.