Câu gốc: “Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tính ưa ăn thịt rừng, nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp” (câu 28).
Câu hỏi suy ngẫm: Gia đình ông bà Y-sác và Rê-bê-ca đã thiên vị trong tình yêu hai con của mình như thế nào? Hậu quả ra sao? Tính thiên vị đã ảnh hưởng đến con ông là ông Gia-cốp về sau ra sao? Cơ Đốc nhân cần cư xử với con cái thế nào để chúng thấy cha mẹ yêu chúng như nhau?
Gia đình ông Y-sác có hai người con sinh đôi là cậu Ê-sau và cậu Gia-cốp. Ông Y-sác thích ăn thịt rừng nên yêu cậu Ê-sau hơn vì cậu Ê-sau là tay thợ săn giỏi, thường nấu cho cha những món ăn ưa thích. Còn cậu Gia-cốp là một người trầm lặng, thường ở quanh quẩn trong trại nên mẹ là bà Rê-bê-ca yêu thương cậu Gia-cốp hơn. Sáng-thế Ký 27 ghi lại khi ông Y-sác đã cao tuổi, mắt mù lòa, trước khi qua đời ông bảo cậu Ê-sau đi săn, làm món thịt rừng cho ông ăn rồi ông sẽ chúc phước cho, vì cậu là con trưởng nam. Bà Rê-bê-ca nghe được cuộc đối thoại này nên đã bày mưu gạt chồng nhằm chúc phước cho cậu Gia-cốp. Âm mưu thành công, nhưng hậu quả thật thảm hại. Việc lừa đảo bị đổ bể, cậu Ê-sau căm ghét cậu Gia-cốp, chờ dịp để giết em mình. Bà Rê-bê-ca bèn bảo cậu Gia-cốp trốn về quê ngoại ở Cha-ran một thời gian cho sự việc nguôi ngoai (Sáng-thế Ký 27:41-44). Thật sự, ông Gia-cốp phải lánh cư nơi nhà cậu mình là ông La-ban suốt hai mươi năm, bị cậu lạm dụng và lường gạt nhiều lần. Nhờ Chúa phù hộ, ông
Gia-cốp trở nên giàu có, nhưng khi trở về xứ Ca-na-an thì mẹ ông đã qua đời. Lần ông chạy trốn là lần cuối mẹ con thấy mặt nhau!
Đến khi ông Gia-cốp làm cha, ông lại vấp phải lỗi lầm giống bà Rê-bê-ca. “Ít-ra-ên (Gia-cốp) thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình, nên may cho chàng một cái áo dài có nhiều sắc. Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, bèn sinh lòng ganh ghét...” (Sáng-thế Ký 37:3-4). Hậu quả là cậu Giô-sép bị các anh bán cho lái buôn làm nô lệ tại Ai Cập, rồi lấy chiếc áo nhiều màu sắc đó nhúng trong máu dê, gạt cha rằng cậu Giô-sép đã bị thú dữ ăn thịt!
Trong cả hai trường hợp trên, cha mẹ thiên vị trong việc yêu thương con cái, gây ra rạn nứt trong tình anh chị em. Không thiên vị không có nghĩa là cách đối xử phải giống nhau với các con. Dù thương các con như nhau nhưng cách đối xử phải uyển chuyển tùy đứa còn thơ dại hay đã trưởng thành, tùy trai hay gái, tùy tính nết từng đứa con cứng rắn hay yếu mềm, tùy lúc chúng bị bệnh hoạn hay đang lâm vào cảnh khó khăn... Dù cùng cha cùng mẹ nhưng các anh chị em có thể có tính tình khác nhau, học lực khác nhau, thành công trong sự nghiệp khác nhau... Cầu xin Chúa cho chúng ta là bậc cha mẹ có sự khôn ngoan trong cách đối xử để các con thấy cha mẹ yêu chúng như nhau.
Bạn cư xử công bằng hay thiên vị đối với các con mình?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con là cha mẹ biết thương các con đồng đều và giúp chúng biết yêu thương giúp đỡ nhau thay vì ganh tị, ghen ghét nhau.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.