Câu gốc: “Nhưng nếu Chúa khứng cho, thì chẳng bao lâu tôi sẽ tới cùng anh em, và xét cho biết, chẳng phải xét lời nói của những kẻ kiêu ngạo đó, bèn là năng lực họ thể nào” (câu 19).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Sứ đồ Phao-lô nói “Nếu Chúa muốn” thì ông sẽ đến cùng Hội Thánh Cô-rinh-tô? Điều này cho thấy nếp sống đạo của Sứ đồ Phao-lô như thế nào? Bạn áp dụng nếp sống ấy thế nào?
“Nếu Chúa muốn” là lời giải trình của Sứ đồ Phao-lô về lý do vì sao ông chưa đến Hội Thánh Cô-rinh-tô, và cũng để trả lời cho thắc mắc ông có đến với họ hay không. Qua đó minh chứng rõ ràng lời của Sứ đồ Phao-lô từng truyền dạy các tín hữu tại Cô-rinh-tô: “…ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ, và người quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 4:1). Ông muốn nói rằng lòng ông rất muốn đến với họ trong thời điểm này, song điều quan trọng không phải là ông muốn nhưng là Chúa muốn. Nếu Đức Chúa Trời muốn, Ngài cho phép, thì trong thời gian gần nhất ông sẽ đến thăm họ, cũng như sẽ xem xét những điều đang xảy ra giữa vòng họ. Sứ đồ Phao-lô phải nói ra những lời này, bởi vì có những người lên mình kiêu ngạo đã mỉa mai và thách thức, họ nói rằng Sứ đồ Phao-lô chắc chẳng dám trở lại đây, nên mới sai ông Ti-mô-thê thay mặt mình đến mà thôi (câu 17). Song lời khẳng định của Sứ đồ Phao-lô đã trả lời và cũng là điều nhắc nhở cho họ rằng ông quyết định đi hay không đi đến bất cứ nơi nào đều dựa vào sự cho phép của Đức Chúa Trời – “nếu Chúa muốn.”
Tinh thần của những đầy tớ thật của Đức Chúa Trời đáng để cho “những người kiêu ngạo” tại Hội Thánh Cô-rinh-tô phải hổ thẹn. Vì đang khi đầy tớ của Đức Chúa Trời trọn lòng trung thành với Ngài, thì những người lên mình kiêu ngạo vì mong muốn tranh giành sự ủng hộ cho mình mà đã dạy dỗ những điều sai lệch làm chia rẽ trong gia đình đức tin của Đức Chúa Trời, tổn hại đến thân thể của Đấng Christ. Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất mà Sứ đồ Phao-lô có cách cư xử như thế, nhưng chúng ta theo dõi suốt hành trình của ông sẽ nhận thấy rằng, vâng phục Đức Chúa Trời cách trọn vẹn là phương châm để ông thực hiện công tác rao giảng Phúc Âm.
Trong cuộc sống, chúng ta thường lên kế hoạch cho mình rồi mới cầu nguyện xin Chúa ban phước cho. Chọn người yêu rồi mới cầu xin Chúa phê chuẩn. Quyết định ra đi rồi mới xin Chúa đi cùng… Chúng ta ít dành thời gian cầu nguyện để tìm hỏi ý Chúa muốn chúng ta làm điều gì, đi đến nơi nào. Gương Sứ đồ Phao-lô nhắc chúng ta cần đặt cuộc đời mình trong tay Chúa để Ngài dẫn dắt. Nếu Chúa khứng, xin chớ chối từ; nếu Chúa không cho phép, cũng đừng nên liều lĩnh.
Bạn có làm theo những điều “nếu Chúa muốn” không?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin giúp con noi gương vâng phục của Sứ đồ Phao-lô để con cũng sẽ trở nên đầy tớ trung thành của Ngài, sẽ đi đến bất cứ nơi nào Ngài sai phái và cũng sẵn sàng dừng lại nếu Chúa muốn.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.