Câu gốc: “A-rôn đưa tay mình trên các sông rạch xứ Ê-díp-tô, ếch nhái bò lên lan khắp xứ” (câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Tai vạ ếch nhái được diễn ra như thế nào? Tại sao người Ai Cập không có biện pháp nào để ngăn chặn? Phép lạ cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào? Bạn được nhắc nhở gì qua tai vạ này?
Sau tai vạ thứ nhất, Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng, từ chối lời đề nghị cho tuyển dân ra đi. Đức Chúa Trời lại sai ông Môi-se và ông A-rôn đến gặp vua và cảnh báo về tai vạ thứ nhì rằng, nếu vua không để dân Chúa ra đi thì ếch nhái sẽ sinh sản vô số từ các dòng sông nhảy vào cung điện, phòng ngủ và trên giường của vua, vào nhà quần thần và dân chúng, trong lò bếp, cả nơi nhồi bột làm bánh của vua, lên mình dân chúng, và mọi đầy tớ của vua (câu 1-4). Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng nên Chúa phán cùng ông
Môi-se hãy bảo ông A-rôn cầm gậy đưa trên các nguồn nước, sông, rạch, ao khiến ếch nhái tràn lên xứ Ai Cập. Ông Môi-se và ông A-rôn làm theo thì sự việc xảy ra y theo Lời Chúa đã phán.
Ếch nhái lan tràn dày đặc khắp nơi nhưng người Ai Cập không dám ngăn chặn chúng vì họ thờ nữ thần Heqt có đầu ếch, vị thần giúp những người đàn bà Ai Cập khi sinh nở. Các thuật sĩ cũng bắt chước dùng phù chú khiến ếch nhái bò khắp nơi nhưng họ không ngăn chặn được. Lần này, Pha-ra-ôn đã nhận thức được chỉ có Đức Chúa Trời mới có năng quyền làm ếch nhái tránh xa khỏi ông và dân chúng. Vua yêu cầu ông Môi-se và ông A-rôn kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va và hứa rằng sẽ để cho tuyển dân ra đi. Ông Môi-se đề nghị vua cho thời hạn để ông cầu nguyện cùng Chúa, hầu cho sự việc xảy ra thì vua nhận biết cánh tay của Đức Chúa Trời đã hành động (câu 8-10). Đúng thời điểm vua giao hẹn, ngày hôm sau, ông Môi-se và ông A-rôn cầu khẩn với Đức Chúa Trời và Ngài đã nhậm lời làm cho ếch nhái khắp nơi đều chết hết (câu 13). Hình ảnh xác ếch nhái được dồn thành từng đống và cả xứ hôi thối vô cùng, cho Pha-ra-ôn và người Ai Cập thấy rằng nữ thần Heqt của họ chỉ là thần tượng vô dụng, chỉ có Đức Giê-hô-va là Đấng năng quyền và thành tín. Dù vậy, Pha-ra-ôn đã tráo trở, không giữ lời hứa với ông Môi-se và ông A-rôn y như lời Chúa đã đoán trước. Sự cứng lòng của vua chẳng những khiến tai vạ giáng trên chính ông mà còn liên lụy đến cả dân chúng Ai Cập.
Đức Chúa Trời là Chân Thần Hằng Sống, là Đấng Quyền Năng, Ngài có toàn quyền tể trị trên từng cá nhân, các nhà lãnh đạo, và cả đất nước. Vâng lời Chúa đem lại sự an lành cho chính mình và những người xung quanh; ngược lại, cứng lòng, bất tuân mệnh lệnh Chúa thì chỉ chuốc lấy tai họa mà thôi.
Nếp sống bạn có phù hợp với sự nhận biết Chúa là Chân Thần duy nhất không?
Lạy Chúa, con nhìn biết Ngài là Chân Thần duy nhất, năng quyền, và thành tín. Xin cho con có lòng mềm mại, kính sợ và vâng phục Chúa để nhận được ơn phước từ Ngài và trở nên người đem phước hạnh đến với nhiều người quanh con.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.