top of page
VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Truyền rao Phúc Âm, gây dựng niềm tin cho người Việt khắp thế giới

Trở Nên Mọi Cách Cho Mọi Người


Câu gốc: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người để có thể cứu được vài người, không cứ cách nào” (câu 22b).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô nói mình được tự do mà đành phục mọi người nghĩa là gì? Ông đã trở nên như người Do Thái hoặc Dân Ngoại như thế nào và với mục đích gì? Bạn noi gương Sứ đồ Phao-lô thế nào trong việc truyền bá Phúc Âm?

Sứ đồ Phao-lô là người tự do, về phương diện thuộc thể cũng như thuộc linh ông không bị lệ thuộc bởi bất cứ ai, nhưng ông “đành phục mọi người,” trong nguyên văn là “tự nguyện trở thành nô lệ cho mọi người,” với mục đích để có thể chinh phục thêm nhiều người cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Với người Do Thái, Sứ đồ Phao-lô trở nên như người Do Thái trong một số sinh hoạt không trái với niềm tin để họ dễ chấp nhận và lắng nghe sứ điệp Phúc Âm. Thí dụ, dù biết rằng phép cắt bì không ảnh hưởng đến sự cứu rỗi (Ga-la-ti 6:15), nhưng “bởi cớ những người Giu-đa ở trong các nơi đó,” ông vẫn làm phép cắt bì cho chàng trai trẻ Ti-mô-thê, để thanh niên này gia nhập vào đoàn truyền giáo của ông (Công-vụ Các Sứ-đồ 16:3). Hoặc dù biết rằng Cơ Đốc nhân được thanh sạch chỉ nhờ máu quý giá của Chúa Cứu Thế Giê-xu (Hê-bơ-rơ 10:10), nhưng Sứ đồ Phao-lô cũng đã cùng với bốn người Do Thái khác thực hiện nghi lễ thanh tẩy tại Giê-ru-sa-lem, để tránh gây vấp phạm cho hàng vạn tín hữu người Do Thái (Công-vụ Các Sứ-đồ 21:20-26). Còn đối với Dân Ngoại là những người không có luật pháp Môi-se, Sứ đồ Phao-lô từng chấp nhận ngồi ăn uống chung với họ (Ga-la-ti 2:11-14), ông hòa đồng với những tập quán của Dân Ngoại, miễn là những điều đó không trái nghịch với “luật pháp của Đấng Christ” (câu 21), mục đích là để giúp cho nhiều người được cứu rỗi.

Người yếu đuối trong câu 22, là những người ông đề cập trong chương 8 về của cúng thần tượng. Mức độ hiểu biết của họ còn non nớt, khi họ thấy những người tự cho là hiểu biết ngồi ăn trong miếu tà thần, họ bắt chước và lương tâm yếu đuối của họ bị ô uế, tổn thương. Dù Sứ đồ Phao-lô biết thần tượng trong thế gian là hư không, nhưng để tránh gây vấp phạm cho những người có lương tâm yếu đuối ấy, ông thà không ăn đồ cúng (I Cô-rinh-tô 8:13). Sứ đồ

Phao-lô đã trở nên mọi cách cho mọi người để bằng mọi cách cứu được một số người.

Phúc Âm cứu rỗi của Chúa không bao giờ thay đổi (I Cô-rinh-tô 2:1-2), nhưng Sứ đồ Phao-lô đã khéo léo hòa vào lối sống của từng sắc dân với những văn hóa khác nhau để họ có cảm tình và sẵn sàng lắng nghe sứ điệp Phúc Âm, “mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành” (câu 23). Sống yêu thương và phục vụ tha nhân đồng nghĩa với việc ưu tiên đem Phúc Âm đến cho mọi người bằng mọi cách theo gương của Sứ đồ Phao-lô để nhiều người được cứu.

Ngoài cá nhân chứng đạo, bạn có góp phần vào chương trình truyền giảng của Hội Thánh để có thể cứu được nhiều người không?

Lạy Chúa, xin cho con dạn dĩ chia sẻ Phúc Âm cho đồng bào; xin cho con khôn ngoan trong lối sống và cách tiếp cận với những người chưa biết Chúa.

(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.

12 views0 comments

VĂN PHẨM NGUỒN SỐNG

Địa Chỉ Văn Phòng

1100 North Paradise Street

Anaheim, CA 92806 USA

Địa Chỉ Hộp Thư

PO Box 4568

Anaheim, CA 92803-4568 USA

  • Facebook Social Icon

Liên Kết

Bản đồ trang Web

Lượt Khách

bottom of page