Câu gốc: “Hồ dễ ta cho các ngươi cùng con cái đều đi sao! Không! Quả thật không cho đâu, vì các ngươi có mưu ác” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Cuộc thương lượng giữa Pha-ra-ôn cùng ông Môi-se và ông A-rôn xảy ra như thế nào? Mưu ác mà Pha-ra-ôn đề cập ở câu 10 có nghĩa gì? Sự cứng lòng của vua ảnh hưởng tầm nhìn của ông ra sao? Bạn học được gì từ bài học hôm nay?
Nhờ quần thần khuyên can, ông Môi-se và ông A-rôn được Pha-ra-ôn truyền đến để thương lượng. Vua phán với họ: “Hãy đi hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Hết thảy những ai là người phải đi?” Khi ông Môi-se trả lời: “Chúng tôi đi, sẽ đem nam phụ lão ấu và chiên bò theo, vì về phần chúng tôi, ấy là một lễ của Đức Giê-hô-va.” Vua đổi giọng mỉa mai “Cầu xin Đức Chúa Trời ở cùng các ngươi!” và tuyên bố khẳng khái rằng, chỉ cho những người nam Ít-ra-ên đi thờ phượng Chúa mà thôi, và sẽ không bao giờ cho hết tuyển dân ra đi vì người Ít-ra-ên “có mưu ác” (câu 9-10). Từ đầu khi gặp Pha-ra-ôn, ông Môi-se đã đề cập việc Đức Giê-hô-va yêu cầu vua để cho dân Ngài, gồm cả nam phụ lão ấu, ra đi phục vụ Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1-3). Điều này nhắc nhở chúng ta, mỗi người đều có trách nhiệm chăm sóc tâm linh của mình. Việc họp lại thờ phượng Chúa không phải chỉ là một nghi thức nên chúng ta không thể cử đại diện đi thờ phượng. Ngoài ra, mệnh lệnh của Chúa không thể thi hành nửa vời, vì người thờ phượng thật là người làm trọn mệnh lệnh của Chúa đã phán truyền.
Lý do vua không cho những phụ nữ, trẻ con, và súc vật của người Ít-ra-ên đi là để giữ chân những người nam phải trở về. Có lẽ vua nhận thấy người Ít-ra-ên có ý định ra khỏi xứ Ai Cập, ông sợ mất đi nguồn lợi lớn là sức lao động rẻ mạt của người Ít-ra-ên. Vì họ là lực lượng lao động chính, làm những công việc nặng nhọc nơi đồng án, làm gạch, xây kho tàng, cung điện cho vua Ai Cập suốt bốn trăm năm. Chính vua là người tham lam, có mưu ác trong lòng chứ không phải dân Chúa! Mỗi người đều được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời và đều được Ngài yêu quý như nhau. Dù được Chúa đặt để ở địa vị nào, con cái Chúa cũng không lợi dụng quyền thế mà bức hiếp người khác, nhưng phải biết chăm về lợi của người khác nữa (Phi-líp 2:4).
Sau đó, vua giận dữ, đuổi ông Môi-se và ông A-rôn đi khuất mắt mình. Vì bản chất vốn cứng lòng, vua Ai Cập quyết một mực làm theo ý riêng. Ông đã quên Đức Chúa Trời của người Ít-ra-ên là Đấng Năng Quyền đã giáng bảy tai họa xuống, và tai vạ thứ tám chực chờ giáng trên con dân của ông. Vua phải chịu trách nhiệm với con dân của mình. Một người cứng lòng, mắt của người ấy sẽ khép kín lại và người ấy không thể nhìn thấy điều gì khác ngoài cái tôi của mình.
Bạn có mềm lòng tiếp nhận Lời Chúa dạy và sống vâng phục Chúa không?
Lạy Chúa, con cầu xin Chúa ban cho con có tấm lòng mềm mại và chan chứa yêu thương để con có thể nhìn sự việc rõ ràng và bước đi như một con cái hay vâng lời Ngài.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.