Câu gốc: “Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên trời và đất” (câu 1-2).
Câu hỏi suy ngẫm: Đấng tiếp trợ đời sống trước giả là Đấng như thế nào? Ngài đã làm những gì cho trước giả? Bạn kinh nghiệm Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào đối với bạn trong năm qua?
Thi-thiên 121 bắt đầu với câu hỏi: “Tôi ngước mắt lên trên núi, sự tiếp trợ tôi đến từ đâu?” Trước giả đề cập đến hình ảnh núi non là vì trong văn hóa thời bấy giờ, những ngọn núi cao thường là những nơi thờ phượng linh thiêng, được dân chúng đến để thờ lạy hình tượng cũng như cầu xin các vị thần điều họ ước mong. Thế nhưng, với địa vị là dân thánh của Đức Chúa Trời, khi trước giả ngước mắt lên trên núi, ông khẳng định rằng chính Đức Giê-hô-va là Đấng đã tiếp trợ, cứu giúp ông, chứ không phải một vị thần nào khác. Việc tuyên xưng Danh Đức Giê-hô-va, có ý nghĩa thần học rất quan trọng với bất kỳ người Ít-ra-ên nào, vì giúp mỗi người dân khi hành hương nhớ rằng, Đức Chúa Trời mà họ thờ phượng là Đấng sáng tạo nên cả vũ trụ này.
Điều ngạc nhiên là một Đấng vĩ đại và lớn lao như vậy lại quan tâm đến từng bước chân của dân Chúa, đến nỗi Ngài chưa bao giờ lơi mắt phút giây nào khỏi họ. Khi nhìn lại đời sống mình, dân Chúa nhận ra rằng, dù hoàn cảnh nào của đời sống thì Đức Giê-hô-va vẫn đồng hành cùng họ như cái bóng che. Không những vậy, dân Chúa còn kinh nghiệm được chính Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ và bảo vệ họ khỏi mọi tai họa trong cuộc sống. Thi-thiên này thường được người Ít-ra-ên dùng trong dịp hành hương, đó là lúc họ gạt những tất bật của cuộc sống sang một bên, chuẩn bị của lễ và tấm lòng đi đến đền thờ ra mắt Đức Giê-hô-va. Đây cũng chính là cơ hội để trước giả Thi-thiên 121 nói riêng và toàn dân Ít-ra-ên nói chung, chiêm nghiệm lại những sự việc lớn nhỏ trong cuộc sống của mình.
Khi nhìn về năm cũ, chúng ta thường có xu hướng lượng giá mình được gì và mất gì trong năm qua. Nhưng có một câu hỏi được đặt ra, nếu như những gì chúng ta đạt được không đến từ sự tiếp trợ của Đức Giê-hô-va, mà đến từ những lươn lẹo của bản thân hay đến từ sự nhờ cậy một thế lực nào khác như cách Dân Ngoại nhờ cậy thần tượng của họ, thì liệu những điều mình đạt được có ý nghĩa chăng? Thế nên, được hay mất không phải là thước đo để chúng ta lượng giá đời sống đức tin của mình mạnh hay yếu. Nhưng điều cốt lõi là trong mọi điều lớn nhỏ của đời sống, chúng ta chỉ trông đợi và nhận lấy sự tiếp trợ đến từ Đức Giê-hô-va, Đấng giữ gìn chúng ta từ nay cho đến đời đời mà thôi.
Khi nhìn về năm cũ, bạn thấy mình trông cậy nơi Chúa hay trông cậy nơi sức riêng nhiều hơn?
Lạy Chúa, là Đấng tạo dựng nên trời và đất, con cảm tạ Ngài vì dù khi con yếu đuối nhờ cậy nơi sức riêng hơn là trông chờ sự tiếp trợ của Chúa, nhưng Ngài vẫn gìn giữ, đồng hành và bảo vệ con suốt năm qua.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.