Câu gốc: “Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót” (câu 1).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết ba nền tảng quan trọng nào tạo nên nên sự hiệp một Cơ Đốc? Những đặc tính của sự hiệp một Cơ Đốc là gì? Làm cách nào để bạn kinh nghiệm và gây dựng sự hiệp một này?
Từ “Vậy” ở đầu câu cho biết sự dạy dỗ về hiệp một xuất phát từ sự dạy dỗ ở phần trước đó. Trong 1:27, Sứ đồ Phao-lô nói ông chỉ mong các tín hữu tại Phi-líp “duy” một điều mà thôi, đó là “ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ.” Và trong 2:2, ông nói rằng chính sự hiệp một trong Hội Thánh đem đến cho ông sự vui mừng. Vậy, điều Sứ đồ Phao-lô mong ước cũng chính là điều khiến ông vui mừng. Nói cách khác, việc “anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ” được thực hiện bằng việc “anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng.” Khi các tín hữu đã nhận lấy một Tin Lành cao trọng, thì hãy ăn ở cho xứng đáng, và vì vậy hãy sống hiệp một trong Hội Thánh. Nếu chúng ta không tìm kiếm, gây dựng sự hiệp một trong Hội Thánh là chúng ta đang sống một cuộc đời không xứng đáng với Tin Lành!
Để có thể gây dựng sự hiệp một Cơ Đốc chúng ta phải nhận biết ba nền tảng tạo nên sự hiệp một này. Nền tảng thứ nhất là Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta vui thỏa với sự hiệp một Cơ Đốc và hết lòng gây dựng sự hiệp một này là vì đã kinh nghiệm “điều yên ủi” và “điều cứu giúp” từ tình yêu của Chúa Giê-xu. Khi chúng ta ở trong ân sủng của Chúa, chúng ta đang nợ tình yêu thương mà Ngài ban cho chúng ta, và khi nhận biết điều đó chúng ta phải yêu thương anh chị em cùng niềm tin và gây dựng sự hiệp một trong Hội Thánh. Nền tảng thứ hai là Chúa Thánh Linh. “Sự thông công” của Hội Thánh có được “nơi Thánh Linh.” Chính công việc của Chúa Thánh Linh tạo nên sự tương giao giữa tín hữu và Đức Chúa Trời, và giữa những tín hữu với nhau. Sự hiệp một trong Hội Thánh không do con người tạo nên, nhưng là yếu tố tất yếu do cùng tương giao với Chúa Thánh Linh. Chúng ta không tạo nên sự hiệp một mà chỉ nhận lấy sự hiệp một, gây dựng sự hiệp một, để qua đó kinh nghiệm phước hạnh của sự hiệp một. Nền tảng thứ ba là một đời sống mới. Khi tin nhận Chúa, chúng ta sở hữu “lòng yêu mến” và “lòng thương xót” qua việc Chúa Thánh Linh đổi mới đời sống chúng ta. Bông trái yêu thương được hình thành trong chúng ta khiến chúng ta có thể sống hiệp một với các tín hữu khác.
Bạn có kinh nghiệm sự hiệp một với anh chị em mình qua việc nhận biết ba nền tảng quan trọng của sự hiệp một chưa?
Cảm tạ Chúa vì tình yêu Ngài ban cho con qua sự cứu rỗi, qua Chúa Thánh Linh, và qua Hội Thánh. Xin cho con luôn sống vui lòng Chúa qua việc yêu thương và hiệp một với anh chị em con.
(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.