Câu gốc: “Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, và nhờ sự yêu thương sinh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời” (câu 30).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô kêu gọi các tín hữu làm gì cho ông? Lời kêu gọi của ông dựa vào động cơ nào? Vì sao ông cần lời cầu thay? Bạn có thường cầu thay cho các vị lãnh đạo thuộc linh không?
Cảm nhận được những khó khăn trước mắt, Sứ đồ Phao-lô đã kêu gọi các tín hữu hãy cùng ông “chiến đấu” trong sự cầu thay. Chắc chắn Sứ đồ Phao-lô đã từng kinh nghiệm quyền năng của sự cầu nguyện. Ông gọi sự cầu thay là một sự “chiến đấu” vì ông biết rõ khi cầu nguyện cho ai hay cho một vấn đề gì, không chỉ đơn thuần là kêu cầu cùng Đức Chúa Trời mà thôi, nhưng đang đánh trận cùng quyền lực của ma quỷ (Ê-phê-sô 6:12). Ông cũng không xa lạ gì với hình ảnh tổ phụ Gia-cốp suốt đêm vật lộn với thiên sứ (Sáng Thế Ký 32). Ông biết một mình ông không đủ sức để “chiến đấu” nên ông kêu gọi các tín hữu cùng “chiến đấu” với ông qua sự cầu thay.
Nhưng trước khi ông “nài xin” họ cầu nguyện cho ông, ông đưa ra động cơ rõ ràng vì sao họ nên làm vậy. Đó chính là “vì Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ và vì tình yêu thương bởi Thánh Linh” (câu 30 BTTHĐ). Không có một lý do cao quý nào hơn là vì tình yêu trong Chúa giữa các tín hữu với nhau mà chúng ta nhớ đến nhau trong sự cầu thay. Chính Sứ đồ Phao-lô cũng nhiều lần cầu nguyện cho các anh em tín hữu ở khắp nơi vì tình yêu trong Chúa ông dành cho họ. Hầu hết trong các thư tín ông gửi cho các Hội Thánh, ông đều cho biết ông cầu thay cho họ như thế nào và tất cả sự cầu thay đó xuất phát từ lòng yêu thương và quan tâm của ông. Tại đây, ông cũng ao ước các tín hữu sẽ cầu nguyện cho ông vì tình yêu họ có từ bông trái Chúa Thánh Linh.
Sau khi đưa ra lý do và lời kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho ông, Sứ đồ Phao-lô nêu lên những điều ông cần họ cầu thay cho ông trong câu 31-32. Và cuối thư của ông lúc nào cũng là lời chúc bình an đến từ Chúa dành cho các tín hữu. Vậy, động cơ quan trọng và mạnh mẽ nhất để chúng ta cầu thay cho người khác xuất phát từ tình yêu Chúa đặt để trong lòng chúng ta dành cho người đó. Chỉ có tình yêu và sự quan tâm mới khiến chúng ta có thể dốc lòng cầu nguyện cho những nan đề của người mình cầu thay cho. Cũng giống như Sứ đồ Phao-lô, các vị lãnh đạo thuộc linh rất cần sự cầu thay. Họ không thể chiến đấu một mình, nhưng cần nhiều anh em tín hữu “cùng họ chiến đấu trong sự cầu nguyện” để chức vụ của họ được ơn và kết quả.
Bạn có quan tâm, yêu thương người lãnh đạo của mình đủ để dâng lên Chúa lời cầu thay cho họ không?
Lạy Chúa, xin nhắc nhở con luôn nhớ đến các vị lãnh đạo thuộc linh mà hết lòng cầu thay cho họ xuất phát từ tình yêu thương Chúa đặt để trong con dành cho họ.
(c) 2016 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.