Câu gốc: “Tôi khuyên Ê-vô-đi và khuyên Sin-ty-cơ phải hiệp một ý trong Chúa” (câu 2).
Câu hỏi suy ngẫm: Hai bà Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ là ai? Vấn đề của hai bà là gì? Sứ đồ Phao-lô hướng dẫn cách giải quyết vấn đề của hai bà ra sao? Bạn rút ra những nguyên tắc nào để giải quyết xung đột và giữ gìn sự hiệp một trong Hội Thánh?
Bà Ê-vô-đi và bà Sin-ty-cơ là hai nữ tín hữu tại Hội Thánh Phi-líp, là những người quen biết Sứ đồ Phao-lô, và rất tích cực vì Phúc Âm (câu 3). Nhưng câu 2 cho thấy ngay cả những nhân sự, những tín hữu trưởng thành vẫn có thể trở thành những người tạo nên sự chia rẽ trong Hội Thánh, nhắc nhở mỗi người trong chúng ta cần phải cẩn trọng về cách sống của chính mình trong Hội Thánh.
Kinh Thánh không cho biết cụ thể vấn đề giữa bà Ê-vô-đi và bà Sin-ty-cơ, nhưng chắc chắn đó không phải là vấn đề về Kinh Thánh, thần học, hay đạo đức, vì nếu như vậy, Sứ đồ Phao-lô đã giải quyết triệt để và không khoan nhượng. Nếu chỉ là một chuyện nhỏ vì sao Sứ đồ Phao-lô lại bận tâm đến nỗi phải nêu đích danh hai bà, và nhờ các nhân sự khác trong Hội Thánh giúp giải quyết? Vì đối với ông, sự hiệp một của Hội Thánh là rất quan trọng, và vì tình trạng thuộc linh của Hội Thánh chi phối trên tình trạng thuộc linh của mỗi tín hữu và ngược lại.
Để giải quyết nan đề giữa bà Ê-vô-đi và bà Sin-ty-cơ, Sứ đồ Phao-lô khuyên hai bà “phải hiệp một ý trong Chúa” (câu 2). Cụm từ này còn có nghĩa “sống hòa thuận trong Chúa.” Nói cách khác, để sống hòa thuận, giữ gìn sự hiệp một trong Hội Thánh, mỗi tín hữu phải có cùng một tâm trí trong Chúa Giê-xu (Phi-líp 2:5). Bên cạnh đó, Sứ đồ Phao-lô kêu gọi: “Hỡi kẻ đồng liêu trung tín, tôi cũng xin anh giúp hai người đàn bà ấy” (câu 3). Những tín hữu trong Hội Thánh phải có trách nhiệm giúp những anh chị em bất hòa trong Hội Thánh được hòa thuận lại. Chúng ta là những chi thể của nhau nên phải có trách nhiệm với nhau. Đôi khi chúng ta thấy những bất hòa của người khác nhưng không muốn can thiệp vì sợ rắc rối, nhưng đừng quên rằng sự chia rẽ cho dù đến từ bất kỳ ai trong Hội Thánh cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng thuộc linh của Hội Thánh, và chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến tình trạng thuộc linh của mỗi tín hữu. Trách nhiệm của chúng ta khi đối diện với anh chị em đang xung đột là đem họ về “hiệp một ý trong Chúa,” không phải là đứng về bên nào, bênh vực bên nào, phân định bên nào thắng thua, hay “thêm dầu vào lửa.”
Một trong những phước lành được đề cập trong Bài Giảng Trên Núi chính là “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9). Hãy cùng nhau đem đến sự hòa thuận, hiệp một trong Hội Thánh, và bởi đó, chúng ta cùng nhau chiến đấu và “đứng vững trong Chúa.”
Bạn có phải là người luôn đem lại sự hòa thuận trong Hội Thánh không?
Lạy Chúa, xin cho con có tâm trí của Ngài, biết yêu thương, tha thứ, và chấp nhận anh chị em của con. Xin dùng con đem đến sự hòa thuận và hiệp nhất trong Thân Thể Chúa.
(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.