Câu gốc: “Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa” (câu 8).
Câu hỏi suy ngẫm: Nan đề gì đang xảy ra với ông Áp-ram và ông Lót? Giải pháp ông Áp-ram là gì? Để chủ động làm người giải hòa, ông Áp-ram phải hy sinh những gì? Bạn học theo gương ông Áp-ram như thế nào khi có bất đồng xảy ra?
Sau khi bị vua Pha-ra-ôn đưa ra khỏi Ai Cập, ông Áp-ram đã đưa vợ và tất cả đầy tớ, tài sản, cùng với cháu mình là ông Lót đến vùng Nê-ghép rồi đi lần đến Bê-tên (câu 1-2). Đức Chúa Trời đã ban phước cho ông được trở nên giàu có với nhiều gia sản. Tại đây, ông cũng tiếp tục cầu khẩn Danh Chúa (câu 4). Ông Lót, cháu ông Áp-ram cũng được Chúa ban phước có nhiều sản vật, chiên bò. Vì thế, vùng đất mà họ đang cư ngụ không có đủ chỗ cho cả hai bác cháu. Hơn nữa, đã có tranh chấp xảy ra giữa những người chăn bầy của ông Áp-ram và ông Lót (câu 7a). Mà lúc bấy giờ lại có những Dân Ngoại đang ở trong xứ, cho nên ông Áp-ram nhận thấy việc tranh chấp trong gia đình không làm gương tốt cho họ. Do đó, chính ông đã chủ động giải hòa với một đề nghị hết sức rộng lượng và khiêm nhường. Ông Áp-ram nói: “Chúng ta là cốt nhục... đừng tranh chấp nhau” (câu 8 BTTHĐ). Là bà con thân thuộc trong gia đình thì không nên tranh giành quyền lợi. Ông Áp-ram đã nhận thức rõ điều đó nên sẵn sàng nhường quyền lựa chọn cho cháu. Khi vấn đề tranh chấp xảy ra, để giữ được hòa khí thì chắc chắn một bên phải chấp nhận chịu thiệt thòi và hy sinh quyền lợi của mình. Ông Áp-ram đã làm được điều đó. Ông không muốn việc tranh chấp trong gia đình làm cớ vấp phạm và trở nên gương xấu cho những Dân Ngoại. Vì thế, ông chủ động nhường cho ông Lót quyền lựa chọn để gia đình được hòa thuận và vui vẻ.
Ông Lót được quyền chọn trước nên đã chọn điều mắt mình thấy là tốt đẹp nhất (câu 10). Còn ông Áp-ram nhận phần còn lại, rồi hai bác cháu chia tay nhau, mỗi người sống một nơi. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời luôn thành tín với lời hứa của Ngài. Về sau, Chúa đã ban phước cho ông
Áp-ram bội phần hơn. Ông luôn được thịnh vượng và giàu có dù ở bất cứ nơi đâu.
Ông Áp-ram đã bày tỏ tấm lòng rộng lượng, khiêm nhường, và yêu hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp. Ông chủ động giải hòa với giải pháp nhường nhịn, sẵn sàng chịu thiệt. Đó là điều chúng ta nên học theo mỗi khi có bất đồng hay tranh chấp xảy ra trong gia đình, trong Hội Thánh là đại gia đình của Chúa, hay ngoài xã hội. Sự hiệp một bắt đầu từ chúng ta. Khi chúng ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi để chủ động giải hòa, thì Đức Chúa Trời sẽ bênh vực và ban phước cho chúng ta.
Bạn có sẵn sàng chịu thiệt thòi để giữ hòa khí với người khác không?
Lạy Chúa, xin giúp con học theo gương của ông Áp-ram sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình để chủ động làm người giải hòa, hầu qua đó Danh Chúa được tôn cao.
(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.