Câu gốc: “Vậy, hai ngươi cũng hãy nhân danh vua mà viết về dân Giu-đa điều gì vừa ý hai ngươi, rồi lấy chiếc nhẫn của vua mà ấn dấu. Vì một tờ chiếu chỉ nào viết nhân danh vua và ấn dấu với chiếc nhẫn của vua không thể bãi được” (câu 8).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao chiếu chỉ của ông Ha-man đã soạn thảo trước kia không thể bãi bỏ? Vua A-suê-ru làm gì để có thể bảo vệ sự an toàn cho người Giu-đa? Bạn được nhắc nhở điều gì khi phạm sai lầm?
Mặc dù ông Ha-man đã bị Vua A-suê-ru xử tử, nhưng sắc lệnh ông nhân danh vua ban ra trước kia vẫn còn hiệu lực. Vì theo luật pháp thời bấy giờ, họ đề cao sự anh minh của vua nên lệnh vua ban ra được coi là không thể sai lầm (1:19). Chính vì thế mà Vua A-suê-ru không thể thu hồi hay hủy bỏ sắc lệnh của mình một cách hợp pháp được. Thế nhưng, vua có quyền ban hành một chiếu chỉ mới có lợi cho người Giu-đa hơn. Chiếu chỉ này nhằm khắc phục những hậu quả tai hại của chiếu chỉ trước do mưu đồ hãm hại người Giu-đa của ông Ha-man, trong đó Vua A-suê-ru là người ban chiếu chỉ mà không hề hay biết (3:10). Vua giao cho Hoàng hậu Ê-xơ-tê và ông Mạc-đô-chê toàn quyền làm việc này. Họ triệu tập các thư ký của vua để soạn thảo ra một sắc lệnh mới, với nội dung là trong ngày mười ba tháng A-đa, nếu có ai xâm phạm đến tính mạng của người dân Giu-đa trong các tỉnh thành, thì họ có quyền tự vệ và giết những người đó, cũng như có quyền chiếm đoạt tài sản của những người đã mưu hại họ. Sắc lệnh này lập tức được dịch ra các thứ tiếng theo tiếng của các dân tộc khác nhau, nhanh chóng ban bố rộng rãi khắp nước, đem tin vui đến cho toàn dân Do Thái.
Dù Vua A-suê-ru không chủ mưu tuyệt diệt người Giu-đa, nhưng do sự nhu nhược và cả tin mà ông đã suýt gây ra họa lớn cho dân Chúa. Nhưng điều đáng khen là khi nhìn biết sai lầm, vua liền khắc phục hậu quả. Đây cũng là điều nhắc nhở mỗi chúng ta. Trong đời sống hằng ngày, đôi khi vì sự thiếu cân nhắc mà chúng ta đã có những hành động, lời nói gây tổn hại đến những người chung quanh mình bằng nhiều cách khác nhau. Khi biết mình dù vô tình hay cố ý đã làm tổn thương người khác, thì hãy bày tỏ thiện chí khắc phục sai lầm. Hãy cầu xin Chúa tha thứ cho những vi phạm, cũng như mạnh dạn bày tỏ lòng hối lỗi của mình với người bị tổn thương, cũng như khắc phục những tổn hại mình đã gây ra cho họ. Điều này thật ra cũng không dễ, vì nó chạm đến cái tôi trong mỗi chúng ta. Nhưng đó lại là điều mà Chúa muốn mỗi chúng ta làm khi chúng ta phạm sai lầm với người khác. Hãy bước qua rào cản của cái tôi và khắc phục sai lầm của mình như Vua A-suê-ru đã làm.
Ai là người mà bạn muốn nói lời xin lỗi vì đã lỡ làm tổn thương họ?
Lạy Chúa, xin Chúa tha tội cho con vì có khi con làm tổn thương những người chung quanh con; xin Chúa giúp con mạnh dạn xin lỗi, và khắc phục những sai phạm của mình.
(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.