Câu gốc: “Song sự hay biết sinh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt. …Nhưng nếu có một người yêu mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó” (câu 1, 3).
Câu hỏi suy ngẫm: Vấn đề Sứ đồ Phao-lô bàn đến trong phân đoạn này là gì? Tại sao sự hiểu biết mà không có tình yêu thương thì sinh kiêu căng? Làm thế nào để sự hiểu biết của bạn được dẫn dắt bởi tình yêu thương?
Trong phân đoạn này, Sứ đồ Phao-lô bàn đến vấn đề mà tín hữu Cô-rinh-tô đã viết thư hỏi ông, đó là việc nên hay không nên ăn thức ăn đã cúng tế cho thần tượng. Sứ đồ Phao-lô nhắc lại để các tín hữu Cô-rinh-tô biết rằng họ đã biết sự vô nghĩa của thần tượng (câu 4), và họ cũng biết rằng chỉ có một Đức Chúa Trời và muôn vật trong thế gian được dựng nên bởi Ngài (câu 6). Tuy nhiên, có những người đã dùng sự hiểu biết của mình để phô trương kiến thức. Chính vì thế mà ông nói rằng những người này tưởng rằng mình hiểu biết nhưng thực chất họ chưa biết đủ như điều họ đáng phải nên biết, đó là cần phải có tình yêu thương đối với anh chị em cùng niềm tin của mình.
Kiến thức là cần, nhưng kiến thức mà không được hướng dẫn bởi tình yêu thương thì sinh kiêu ngạo. Chỉ khi có tình yêu thương dẫn dắt thì kiến thức mới có thể gây dựng lẫn nhau. Hai nhóm người ở Hội Thánh Cô-rinh-tô đều dựa vào kiến thức của mình để quyết định ăn hay không ăn của cúng thần tượng. Cả hai đều tin chắc mình đúng vì cho rằng mình có sự hiểu biết. Trước thực trạng đó, Sứ đồ Phao-lô hướng họ về điều có giá trị cao hơn sự hiểu biết, đó chính là tình yêu thương. Tình yêu thương giúp chúng ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, tình yêu thương hướng dẫn chúng ta bày tỏ sự hiểu biết của chúng ta đúng người đúng cách, đem đến hiệu quả mỹ mãn, đó là làm gương tốt cho người khác trong tinh thần xây dựng. Ngoài ra, khi tự hào mình hiểu biết thì chính suy nghĩ đó trở thành rào cản khiến chúng ta không chịu lắng nghe, học hỏi từ bất cứ người nào khác. Người như thế luôn tự mãn, kiêu căng với mọi người vì nghĩ rằng mình đã hiểu và biết nhiều hơn những anh em khác rồi. Và điều này cũng dễ làm tổn thương cho nhau.
Để kiến thức được hướng dẫn bởi tình yêu thương thì trước hết chúng ta phải yêu mến Đức Chúa Trời (câu 3). Đó là điều kiện khởi đầu để có tri thức (Thi-thiên 111:10); và chính Đức Chúa Trời là tình yêu thương (I Giăng 4:8) sẽ giúp chúng ta sử dụng kiến thức hiệu quả, đem đến kết quả tốt lành cho chúng ta và cho cả anh chị em khác. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải ưu tiên tìm kiếm tình yêu thương của Chúa, để tình yêu thương sẽ hướng dẫn chúng ta sử dụng kiến thức cách đúng đắn.
Bạn thường ưu tiên tìm kiếm kiến thức hay tình yêu thương trong cuộc sống?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin giúp con luôn ghi nhớ rằng “sự hay biết sinh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt” để con luôn nôn nả tìm kiếm tình yêu thương nhằm gây dựng cho chính mình và người khác.
(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.