Câu gốc: “Vậy, hãy cất để trong lòng và trong trí mình những lời Ta nói cùng các ngươi, đeo nó như một dấu nơi tay, như một ấn chí giữa hai con mắt” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao mệnh lệnh “hãy nghe” đi trước mệnh lệnh “ân cần dạy dỗ”? Các bước cần thiết trong tiến trình dạy dỗ Lời Chúa là gì (câu 4, 6, 7)? Bạn thường thiếu bước nào trong tiến trình này? Bạn được nhắc nhở điều gì?
Tâm trí là điều vô cùng quan trọng quyết định mọi hành vi của con người. Đó là lý do mà Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh tâm trí là điều đầu tiên cần được đổi mới, “Đừng khuôn rập theo đời này, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình” (Rô-ma 12:2a BTTHĐ). Ông cũng dạy, “Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Cơ Đốc Giê-xu đã có” (Phi-líp 2:5 BTTHĐ). Do đó, người dạy đạo phải nắm chắc điều mình dạy dỗ phù hợp với Thánh Kinh để thay đổi tâm trí của mình và người nghe. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, có hai nội dung chúng ta cần có trong tiến trình dạy dỗ.
Thứ nhất, hãy dạy điều chúng ta NGHE. “Hãy nghe… ở tại trong lòng… ân cần dạy dỗ” (câu 4, 6, 7). Đây là tiến trình bắt buộc người dạy Lời Chúa phải giữ lấy. Trước hết phải biết nghe Lời Chúa, “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy” (Ê-sai 50:4). Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4 thường được gọi là Shema, đây là lời cầu nguyện mỗi buổi sáng sớm và buổi tối của người Do Thái, và Shema có nghĩa là “Hãy nghe.” Chúng ta chỉ dạy những gì mình nghe từ Chúa, không phải những gì mình thích nghe hay mình nghĩ đến.
Thứ hai, không những chỉ nghe, nhưng người dạy Lời Chúa còn cần thì giờ để suy ngẫm, nhớ lấy trước khi dạy. Lời Chúa không chỉ nằm trong tai, trong đầu nhưng phải “ở tại trong lòng” trước khi chúng ta dạy cho người khác. Ông Giô-suê đã ghi nhớ Lời Chúa, “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm…” (Giô-suê 1:8a). Chúng ta chỉ cho người khác điều chúng ta có, không thể cho điều chúng ta không có. Một người không thể dạy dỗ Lời Chúa cho người khác nếu người đó không có Lời Chúa trong lòng. Để chuẩn bị cho một bài giảng, bài dạy trong lớp Trường Chúa Nhật, hay bài học Kinh Thánh trong nhóm nhỏ, ngày nay nhiều người đã dành rất nhiều thì giờ cho việc tìm kiếm trên các trang mạng những kiến thức hoặc thông tin mới lạ, nhưng lại thiếu thì giờ suy ngẫm Lời Chúa, lắng nghe tiếng Chúa phán với mình và để Lời Chúa dạy dỗ chính mình, chính vì vậy nhiều sứ điệp thiếu sự sống, không gây dựng Hội Thánh của Chúa.
Chúng ta hãy tự xét mình với câu hỏi: Tôi có đang dạy dỗ con cái tôi, học viên của tôi, Hội Thánh của tôi những điều tôi đã nghe từ chính Đức Chúa Trời không?
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì nhiều lúc đã thiếu sót trong việc dạy dỗ Lời Chúa cho người khác. Xin cho con tấm lòng của một học trò biết lắng nghe Lời Ngài, một tấm lòng yêu mến Lời Ngài.
(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.