Câu gốc: “Vì tôi biết rằng nhờ anh em cầu nguyện, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Giê-xu Christ giúp đỡ, thì điều này sẽ trở làm ích cho sự rỗi tôi” (câu 19).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô mong mỏi và khao khát điều gì? Làm sao ông có thể thực hiện được điều đó? Phương châm sống của Sứ đồ Phao-lô là gì? Làm sao có thể theo đuổi một cuộc đời cao trọng như vậy?
Là một tù nhân trong thời Vua Nê-rô gian ác, mạng sống của Sứ đồ Phao-lô có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Nhưng những câu Kinh Thánh hôm nay vẽ lên hình ảnh của một người sống tích cực, tận dụng từng giây phút trong đời mình để theo đuổi một mục đích cao trọng. Đối với Sứ đồ Phao-lô, Đấng Christ chính là sự sống của ông, và chết vì Chúa là điều ích lợi cho ông (câu 21). Nhận thức đó giúp ông sống vượt lên trên mọi hoàn cảnh. Ngay cả trong chốn lao tù thì ông vẫn khao khát “việc chi tôi cũng chẳng hổ thẹn cả” (câu 20). Sứ đồ Phao-lô mong sống một cuộc đời chẳng hổ thẹn với Chúa là Đấng yêu ông và kêu gọi ông; chẳng hổ thẹn với Hoàng đế Nê-rô vì không hèn nhát từ bỏ đức tin để giữ mạng sống; chẳng hổ thẹn với Hội Thánh khi họ đang nhìn xem ông như một tấm gương đức tin; và cũng chẳng hổ thẹn với Phúc Âm ông đang được giao phó để rao truyền. Trong mọi hoàn cảnh, Sứ đồ Phao-lô mong rằng “tôi nói cách tự do mọi bề,” nghĩa là giữ vững lời chứng một cách can đảm, không để sự gì có thể ngăm dọa mình, để “dù tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi.” Cả cuộc đời Sứ đồ Phao-lô không mong ước gì hơn là làm vinh quang Chúa trong mọi lúc.
Làm thế nào theo đuổi một cuộc đời cao trọng như vậy? Câu 19 cho biết, thứ nhất, “nhờ anh em cầu nguyện.” Tình yêu và mối tương giao Cơ Đốc cùng với năng quyền của sự cầu nguyện đã giúp cho vị sứ đồ trung tín trên con đường phục vụ Chúa. Mỗi người trong chúng ta đều có những giới hạn, có những việc chúng ta không thể làm được, nhưng việc chúng ta có thể làm là nhớ đến nhau, cầu thay cho nhau để qua đó cùng nhau hoàn thành sứ mệnh của Chúa Giê-xu giao cho Hội Thánh (Ma-thi-ơ 28:18-20). Thứ hai, “nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Giê-xu Christ giúp đỡ.” Sứ đồ Phao-lô biết đây không phải là trận chiến giữa ông và Hoàng đế Nê-rô, nhưng là trận chiến thuộc linh với quyền lực tối tăm, và để chiến thắng, cần phải có sức mạnh của Đức Thánh Linh.
Bởi tình yêu thương, sự cầu thay của Hội Thánh, và quyền năng của Đức Thánh Linh, dù hoàn cảnh nào, khổ nạn nào của Sứ đồ Phao-lô cũng “sẽ trở làm ích cho sự rỗi tôi.” “Sự rỗi” có thể là sự giải cứu của Chúa cho ông trong phiên tòa sắp đến, cũng có thể là sự cứu rỗi cuối cùng mà ông nhận được trong ngày gặp Chúa. Dù hiểu theo nghĩa nào, thì Sứ đồ Phao-lô vẫn đặt lòng tin nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28; Phi-líp 1:6).
Phương châm sống của bạn hiện nay là gì?
Lạy Chúa, xin cho con luôn sống vì vinh quang Chúa và vì Phúc Âm. Xin cho con can đảm làm chứng nhân cho Ngài trong mọi hoàn cảnh.
(c) 2019 Văn Phẩm Nguồn Sống. Used by permission.